09:09, 29/09/2007

Việt Nam: Lựa chọn số 1 của nhà đầu tư Thái

Trong số các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á mà các doanh nhân Thái Lan đổ tiền vào đầu tư, VN được cho là đáng giá nhất...

Nhiều nhà đầu tư Thái Lan chọn Việt Nam làm điểm đầu tư. Ảnh: Lao Động

Trong số các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á mà các doanh nhân Thái Lan đổ tiền vào đầu tư, VN được cho là đáng giá nhất.

Nhiều thuận lợi

Các nhà đầu tư Thái Lan khi tìm kiếm thị trường nước ngoài thường nhìn vào các quốc gia ASEAN trước tiên. Bởi giữa Thái Lan và các nước láng giềng trong khu vực thường có nhiều điểm chung hơn là những khác biệt. Đó là sự tương đồng trong cách ứng xử, sự giống nhau trong cấu trúc chính phủ và các cơ quan hữu quan...

Đầu tư vào ASEAN, DN Thái Lan sẽ được hưởng chi phí vận chuyển và kho vận thấp. Những lợi ích tiềm tàng từ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) cũng đóng một vai trò chính trong các quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư của họ. Theo AFTA, hàng hoá và dịch vụ của ASEAN được hưởng mức thuế từ 0%-5% và hàng rào thuế quan sẽ được tự do hoá hoàn toàn trong vòng 2 năm tới.

Khi đầu tư vào ASEAN, các DN Thái cân nhắc các số liệu sau:

- Họ không đầu tư vào các nước như Malaysia và Singapore bởi vì giá nhân công ở đó cao hơn ở Thái Lan.

- Lào có dân số 6,5 triệu người, trong khi chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh (HCM) đã có hơn 8,5 triệu dân.

- Myanmar là nước chưa mở cửa và không ổn định chính trị.

- Campuchia có dân số nhỏ và người dân không chăm chỉ, ham học hỏi như người Việt.

- Philippines thì quá xa, tình hình chính trị không mấy ổn định, lại có xu hướng hứng chịu nhiều thảm hoạ thiên nhiên.

- Indonesia là nước có tiềm năng. Dân số của họ là 250 triệu. Giá nhân công ở đây cũng rẻ. Nhưng họ lại nhiều tội phạm và xung đột.

Khuyến khích đầu tư

Ngoài ASEAN, các DN Thái cũng rất quan tâm đến thị trường Trung Quốc do nhân công rẻ, thị trường nội địa lớn. Các so sánh sau đây giữa VN và Trung Quốc có thể sẽ hữu ích cho những người đang cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư. Những thông tin dưới đây thu thập từ cá nhân và từ các quan hệ với khách hàng, đặc biệt là các NĐT Đài Loan.

- Về chi phí lao động: VN và Trung Quốc gần như giống nhau, nhưng chi phí cho cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc đang có xu hướng tăng cao hơn VN.

- Khuyến khích đầu tư: VN miễn thuế 9 tháng cho các nguyên liệu thô nhập khẩu để phục vụ sản xuất, trong khi TQ thu 17% và hoàn lại 9% khi sản phẩm được xuất khẩu. 8% còn lại về lý thuyết sẽ được hoàn trả trong tương lai, nhưng thực tế rất khó lấy lại khoản này.

- Giá trị đồng tiền: VND đang có xu hướng mất giá. Trong 4 năm qua, mỗi năm VND suy yếu 1%. Trong khi Bắc Kinh đang chịu áp lực nặng nề từ Mỹ và Châu Âu thả nổi đồng nhân dân tệ.

- Thuế: Là thành viên của 10 nước ASEAN, VN có lợi thế mà TQ không có. Thuế xuất nhập khẩu thấp hơn.

- Chính sách: Chính sách của Trung ương và địa phương ở VN thường thống nhất cao. Ở TQ không phải lúc nào cũng vậy.

- Ưu tiên: VN luôn mở rộng cửa với cả DN lớn lẫn DN vừa và nhỏ. Trung Quốc chỉ trải thảm đỏ đối với các Cty đa quốc gia lớn có hầu bao to và quan hệ sâu rộng.

Thái Lan đứng thứ ba trong số các nước ASEAN có vốn đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào VN, xếp thứ 12 trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN. Hiện các DN Thái Lan đầu tư 153 dự án với số vốn đăng ký lên tới 1,54 tỉ USD.

Trong số đó, 83 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 12.000 lao động trực tiếp, chưa kể số lao động gián tiếp trong xây dựng và dịch vụ khác.

Hầu hết các dự án đầu tư của Thái Lan tại VN tập trung vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, xây dựng đô thị mới, khách sạn, du lịch, công nghiệp. Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, TP. HCM hiện là những địa phương đang thu hút nhiều nhất nguồn vốn từ Thái Lan.

Các dự án của Thái Lan tại VN hiện hoạt động chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài, chiếm tới gần 67% số dự án và gần 56% vốn đăng ký; đầu tư theo hình thức liên doanh chiếm 27,6% số dự án và trên 43% vốn đầu tư.

Theo  Lao Động