Trong Báo cáo về Tình hình kinh tế và thị trường châu Á vừa được đưa ra, Ngân hàng Citi nhận định, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP...
Trong Báo cáo về Tình hình kinh tế và thị trường châu Á vừa được đưa ra, Ngân hàng Citi nhận định, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP ước tính là 8% trong năm 2007.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cần các điều kiện là giá dầu được ổn định và Chỉnh phủ áp dụng thêm những chính sách thắt chặt về tiền tệ cùng với những nỗ lực trong việc cung cấp và quản lý giá cả của các mặt hàng chủ chốt.
Theo Ngân hàng này, lạm phát mặc dầu chưa có dấu hiệu dịu đi với việc giá thực phẩm, vật liệu xây dựng.. vẫn đang ở mức cao nhưng những biện pháp của Chính phủ như giảm thuế nhập khẩu sẽ có phản ứng lên giá cả trong thời gian tới.
Trong báo cáo của mình, Citi cũng có những nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam như, đến tháng 7 sản lượng công nghiệp lên đến 18,7% so với cùng kỳ. Hoạt động bán lẻ cũng đã tăng đến 23,1% và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được đăng kí đã tăng 49,8%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý các vấn đề rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam như giá cả tăng do bệnh dịch gây nên thiếu thực phẩm; đồng VN có khả năng tiếp tục bị mất giá; sự đi xuống của một số nền kinh tế là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và cả việc trì hoãn cơ cấu lại các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
Được biết, trong báo cáo lần này của Citi đã đề cập đến vấn đề thị trường thế chấp dưới tiêu chuẩn mà chủ yếu là các khoản nợ xấu từ tín dụng mua nhà có thế chấp với rủi ro lớn tại Mỹ đã dẫn đến bất ổn tài chính lan khắp toàn cầu. Châu Á có thể phải chịu những tác động của cuộc khủng hoảng này qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lạc quan cho rằng, những dấu hiệu khủng hoảng có thể sớm qua đi trong vài tháng tới và những biến động xấu nhất sẽ không xảy ra.
Theo VietNamNet