Từ 1-7, 14 nhà máy điện (NMĐ) thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện bán điện cạnh tranh cho EVN. Đây là được coi là thị trường điện nội bộ, bước khởi đầu...
Giá điện cạnh tranh sẽ có lợi cho người tiêu dùng. |
Từ 1-7, 14 nhà máy điện (NMĐ) thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện bán điện cạnh tranh cho EVN. Đây là được coi là thị trường điện nội bộ, bước khởi đầu cho việc hình thành một thị trường điện cạnh tranh.
Vẫn dựa vào giá trần
Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) là đầu mối mua điện của các nhà máy trong cả nước. Theo quy trình vận hành của thị trường điện nội bộ, hàng ngày, Ao thông báo phụ tải dự kiến trong ngày tới các NMĐ. Trên cơ sở đó, các NMĐ chào giá phát điện của từng tổ máy đến Trung tâm này trước 10 giờ. 14 giờ, Ao gửi tới các NMĐ lịch huy động, bao gồm công suất phát dự kiến của từng tổ máy cho từng giờ cũng như tổng chi phí điện năng của cả hệ thống. 15 giờ, Ao công bố giá mua của các NMĐ. Nhà máy nào có giá thấp sẽ được ưu tiên mua trước.
Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá phát điện thấp nhất thuộc về các nhà máy nhiệt điện chạy than và thuỷ điện cũ là 271,8 đồng/kWh, giá cao nhất là 2.567 đồng, thuộc về các nhà máy nhiệt điện chạy diezel. EVN đã huy động được 144 triệu kWh công suất cho ngày 2-7 trong khi phụ tải cần huy động là 149,1 triệu kWh.
Theo Ao, mặc dù đã được tập huấn nhưng một vài NMĐ vẫn gửi bản chào không hợp lệ do chưa hiểu rõ yêu cầu. Về cơ bản, việc chào giá trong giai đoạn này mới chỉ là tập luyện, tức là dựa vào giá trần theo định mức EVN đã tính toán phân bổ cho các nhà máy.
“Người ngoài” khó vào
Không phủ nhận mặt tích cực của việc vận hành thị trường điện nội bộ nhưng nhiều chuyên gia nhận định chưa thể có đột phá lớn trong việc mua bán điện bởi cung cấp “hàng” cho EVN chủ yếu vẫn là 14 nhà máy nội bộ, hiện chiếm hơn 80% sản lượng điện của cả nước. Nhà máy nào có giá phát điện kém cạnh tranh cũng vẫn được chọn bởi lẽ EVN phải mua hết mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng điện. Khi cung chưa lớn hơn cầu thì người mua không thể thực sự chọn được giá cạnh tranh. Các chuyên viên Ao cho biết, phụ tải trong đợt nắng nóng này tăng đột biến mỗi ngày về cả sản lượng (tăng 13,3%) sản lượng và công suất (16,5%). Hơn nữa, công suất dự phòng của EVN đã tính tới phụ tải của hệ thống mới chỉ đạt khoảng 5-6% trong khi các nước được coi là có đủ điện đạt 15%.
Ông Đào Văn Hưng - Tổng Giám đốc EVN đã bày tỏ, EVN sẽ khuyến khích các NMĐ ngoài Tổng Công ty tham gia vào thị trường này, tuy nhiên vẫn còn nhiều lý do khiến họ khó vào. Trước hết vì giá bán điện của các nhà máy đầu tư độc lập còn cao (khoảng hơn 4cent/kWh). Một số NMĐ cho rằng điểm không thuận lợi đối với họ là những điều kiện ràng buộc khi đàm phán giá bán điện cho EVN. Khi thị trường chỉ có một người mua là EVN thì không thể có sự cạnh tranh bình đẳng.
Dự kiến đến năm 2005, EVN sẽ sơ kết đánh giá việc đấu giá phát điện nội bộ, sau đó sẽ mở cửa cho các DN ngoài ngành cùng lên sàn giao dịch.
Thị trường hoàn hảo: 30 năm nữa
Việc vận hành thị trường điện nội bộ về cơ bản đã tạo ra động lực cho các NMĐ tiết giảm chi phí. Để có giá cạnh tranh, các NMĐ sẽ phải đưa tất cả chi phí tiền lương, khấu hao, sửa chữa vào giá thành để tính giá 1 kWh điện. Nhà máy nào bán được nhiều điện sẽ được trích lợi nhuận cao. Khi chuyển sang thị trường điện cạnh tranh, kết quả hoạt động kinh doanh sẽ gắn với sự tồn tại của chính các NMĐ.
Theo đánh giá của các chuyên gia Ao, giá chào của các NMĐ sẽ ít có thay đổi qua các phiên, cơ bản vẫn dựa vào giá trần. Sớm nhất cũng phải đến năm 2005 mới có chiến lược chào giá khác nhau giữa các nhà máy theo nhu cầu của thị trường và năng lực của từng đơn vị. Nói như Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải thì phải chờ khoảng 30 năm nữa VN mới có thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo.
Tuy tham gia vào thị trường cạnh tranh nhưng các NMĐ không tự định đoạt giá mà dựa vào giá trần EVN quy định. Lý giải về việc đặt ra giá trần, ông Đào Văn Hưng cho rằng đây là kinh nghiệm chung của các quốc gia có thị trường điện. Nếu không có giá trần, các NMĐ sẽ đẩy giá lên cao vào những thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến hoặc khi khâu phát điện có sự cố và như thế sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Với thị trường điện cạnh tranh, EVN hy vọng sẽ không phải tính đến giải pháp tăng giá điện trong thời gian tới.
Theo Người Lao Động