Bản chất của tăng giá tiêu dùng thời gian qua là gì? Cần có những giải pháp nào để kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng giá trong những tháng còn lại của năm 2004? Vấn đề này đã được...
Bản chất của tăng giá tiêu dùng thời gian qua là gì? Cần có những giải pháp nào để kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng giá trong những tháng còn lại của năm 2004? Vấn đề này đã được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đưa ra trong một buổi tọa đàm được Viện NCKH thị trường giá cả và Cục Quản lý giá tổ chức hôm 7-7, tại Hà Nội.
TS NGÔ TRÍ LONG – Phó Viện trưởng Viện NCKH thị trường giá cả:
Nhìn lại 6 tháng qua cho thấy, sức mua đối nội của VNĐ giảm 7,2%, nhưng tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định (chỉ tăng 0,2%). Như vậy, tăng giá tiêu dùng và lạm phát là không đồng nhất. Tuy nhiên, giá cả tăng 7,2% trong khi GDP chỉ tăng 7,03% là một biểu hiện không tốt. Qua tình hình chung của thị trường thế giới và trong nước từ nay đến cuối năm, có thể dự báo: nếu không có biến động lớn về giá cả, thiên tai nghiêm trọng thì giá tiêu dùng cả năm 2004 chỉ tăng một chữ số. Nhưng muốn vậy, phải nâng cao hơn nữa hiệu quả của nền kinh tế, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh. Không điều chỉnh tăng giá đối với hàng hóa, dịch vụ nhà nước quản lý giá.
Ông NGUYỄN VĂN BẢNG – Trưởng phòng Tổng hợp Cục Quản lý giá:
Để kiềm chế tốc độ tăng giá trong những tháng còn lại, việc điều hành giá phải nhằm thúc đẩy sản xuất, bảo vệ lợi ích của cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Cần giữ ổn định không tăng giá những sản phẩm Nhà nước còn định giá hoặc cần bình ổn giá. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ giá thành, chi phí lưu thông giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền; hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu. Tăng cường năng lực quản lý điều hành thị trường, chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết độc quyền về giá.
< FONT face=Arial size=2>GS.TS TĂNG VĂN BỀN – Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội:
Nếu chúng ta theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát thì những giải pháp như sử dụng công cụ lãi suất, thắt chặt tiền tệ, thực hiện chính sách tiết kiệm nghiêm ngặt trong khu vực kinh tế nhà nước, các cơ quan công quyền… phải được ưu tiên hàng đầu. Nhưng nếu chúng ta theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì phải sẵn sàng chấp nhận lạm phát ở mức độ cho phép. Lúc đó, giải pháp là tăng cường gọi vốn đầu tư, phát triển mạnh khu vực công nghiệp, các ngành sản xuất ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, đa dạng thỏa mãn nhu cầu trong nước, đặc biệt tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. Thậm chí, có thể chủ động “phá giá đồng nội tệ” ở mức độ cho phép nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
TS TRẦN CÔNG CHUYÊN – Viện NCKH thị trường giá cả:
Trong 6 tháng cuối năm 2004, có 3 nhân tố tác động làm tăng tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế, dễ dẫn đến tăng giá: đưa 7.000 tỷ đồng vào cải cách tiền lương từ 1-10; thanh toán tiền công trái năm 1999; bù cho đầu tư xây dựng do giá thép tăng. Vì vậy, tôi rất nhất trí khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm làm cho tổng phương tiện thanh toán đưa vào nền kinh tế giảm. Đồng thời, không chi thêm tiền để mua dự trữ ngoại tệ, giảm bớt lượng VNĐ trong lưu thông. Tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc biện pháp giãn tốc độ xuất khẩu lương thực thích hợp, nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực và hạn chế tốc độ tăng giá lương thực.
Theo Sài Gòn Giải Phóng