09:04, 02/04/2003

Triển vọng nghề nuôi Bào ngư

Bào ngư, một loại hải sản đặc biệt quý hiếm, đắt tiền, là món ăn ngon của biển. Ốc hương đã được sinh sản nhân tạo, được người nuôi trồng thuỷ sản cho vào đìa, đăng, lồng nuôi đại trà. Còn bào ngư thì mới cho đẻ nhân tạo và qua bước khảo nghiệm, chưa được người nuôi trồng chú ý. Nếu được sản xuất đại trà, thì hiệu quả kinh tế từ nghề này rất cao.

Bào ngư, một loại hải sản đặc biệt quý hiếm, đắt tiền, là món ăn ngon của biển. Ốc hương đã được sinh sản nhân tạo, được người nuôi trồng thuỷ sản cho vào đìa, đăng, lồng nuôi đại trà. Còn bào ngư thì mới cho đẻ nhân tạo và qua bước khảo nghiệm, chưa được người nuôi trồng chú ý. Nếu được sản xuất đại trà, thì hiệu quả kinh tế từ nghề này rất cao.

Giá trị Ốc cửu khổng

Theo các công trình khoa học, bào ngư thường được gọi là “ốc cửu khổng”, “ốc chín lỗ”, là động vật thân mềm, có giá trị kinh tế cao. Thịt bào ngư mềm, có mùi vị thơm ngon và hàm lượng Protein cao (chiếm 23 - 24%), được dùng để chế biến các món ăn ngon; là một vị trong các loại rượu thuốc đại bổ. Không chỉ tiêu dùng trong nước, chế biến các món ăn ngon tại các nhà hàng, khách sạn, bào ngư còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việc xuất khẩu bào ngư còn nhiều hạn chế vì muốn xuất khẩu thì số lượng bào ngư phải nhiều. Hiện nay, việc khai thác bào ngư chủ yếu từ tự nhiên, nên không đủ xuất khẩu, vì vậy bào ngư chủ yếu tiêu dùng trong nước. Giá trị bào ngư không chỉ ở phần thịt. Vỏ bào ngư cũng mang lại giá trị kinh tế cao. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, vỏ bào ngư dùng để chữa trị bệnh mờ mắt, gan. Ngoài ra, do vỏ bào ngư cấu tạo có tầng xà cừ với những màu sắc óng ánh nên vỏ được sử dụng làm thảm xà cừ trong kỹ nghệ làm tranh sơn mài. Hiện nay, một số nơi trên thế giới còn sử dụng bào ngư làm nguyên liệu nuôi cấy ngọc trai.

Sản xuất bào ngư có khó ?

Giống như ốc hương, bào ngư thương phẩm hiện nay đang có giá trị kinh tế rất cao. Nếu là bào ngư tươi, thị trường ưa chuộng nhất vẫn là Trung Quốc, được bán tại cửa khẩu với giá từ 200 - 220 nghìn đồng/kg. Còn bào ngư sau khi được chế biến, đóng hộp được bán tại các chợ, siêu thị với giá khoảng 500 nghìn đồng/kg.

Khánh Hòa hiện có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển nghề nuôi bào ngư. Theo kết quả khảo sát, hiện nay quỹ mặt nước ven biển ở Khánh Hòa có khả năng NTTS vào khoảng 125 nghìn ha, nhưng toàn tỉnh mới chỉ sử dụng khoảng 913 ha. Diện tích mặt nước còn lại vẫn đang còn là tiềm năng nếu như chúng ta phát triển mạnh nghề NTTS nói chung, nghề nuôi bào ngư nói riêng. Theo kết quả nghiên cứu, biển ở Khánh Hòa có tính đa dạng sinh học cao, kín gió, nước trong, có độ mặn luôn ổn định từ 30 - 34‰, và nhất là có rất nhiều loài rong, tảo biển. Đây chính là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi bào ngư. Bên cạnh diện tích mặt nước ven biển, trên 5 nghìn ha diện tích vùng đất triều trong tỉnh đang nuôi tôm sú sẽ là tiềm năng lớn khi người NTTS kết hợp nuôi bào ngư với nuôi tôm sú.

Anh Nguyễn Văn Giang, kỹ sư nuôi trồng bộ môn đặc hải sản thuộc Trung tâm Nghiên cứu thủy sản III, cho biết: “Từ năm 2000 - 2001, Trung tâm đã có đề tài nghiên cứu về sinh sản nhân tạo giống bào ngư, do anh Lê Đức Minh làm chủ nhiệm đề tài. Hiện tại, đề tài đang có tính khả thi rất cao, đã qua bước khảo nghiệm. Năm 2001, trung tâm đã sản xuất thành công bào ngư thương phẩm nhưng chưa được sản xuất đại trà, nhân rộng. Nuôi tôm hùm và ốc hương đòi hỏi lượng thức ăn cá, ốc, hàu, sò… với số lượng lớn nên rất tốn kém, chi phí lớn. Còn nuôi bào ngư rất đơn giản, ít tốn kém hơn bởi thức ăn của bào ngư chủ yếu là rong câu chỉ vàng. Trong đìa tôm sú, nuôi đăng, nuôi ở đầm hoặc nuôi trong lồng, người NTTS chỉ việc nuôi cấy rong câu chỉ vàng thật nhiều là có thể nuôi được bào ngư. Hiện nay, không cần phải ở biển, bào ngư có thể nuôi ở trong bể ximăng, đăng, lồng, đìa nên rất thuận lợi cho người nuôi trồng khi phát triển mạnh nghề này. Nuôi bào ngư phải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn nuôi ấu trùng và nuôi thành thương phẩm. Giai đoạn nuôi ấu trùng phải mất 3 tháng. Khi bào ngư đạt kích cỡ từ 4 - 5mm thì bắt đầu nuôi thương phẩm. Giai đoạn này nuôi mất 6 tháng. Khi kích cỡ bào ngư đạt từ 40 - 50mm thì thu hoạch, lúc này trọng lượng bào ngư có thể đạt 30 con/kg. Hiện Trung tâm có 2 hồ nuôi bào ngư đang trong thời kỳ phát dục. Sắp tới, Trung tâm sẽ tiến hành sinh sản nhân tạo, sản xuất bào ngư giống nhằm phục vụ cho bà con nông dân vùng ven biển nuôi đại trà”.

Hiện nay, bào ngư phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn chủ yếu khai thác từ tự nhiên nên chắc chắn loại hải sản đặc biệt quý hiếm này sẽ bị cạn kiệt nếu như chúng không được tái tạo. Sản xuất bào ngư bằng phương pháp nhân tạo của Trung tâm đang là vấn đề hết sức cần thiết và có ý nghĩa đối với vấn đề đa dạng sinh học môi trường biển Việt Nam và nâng cao hiệu quả kinh tế trong NTTS ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Nuôi bào ngư đang là triển vọng. Hy vọng những loại đặc hải sản từ biển: Bào ngư, ốc hương, cầu gai, điệp, hải sâm… là những món ăn ngon dễ tìm thấy ở Khánh Hòa.

Trung Hùng

Biển Việt Nam có 4 loại bào ngư chính: Bào ngư 9 lỗ, bào ngư bầu dục, bào ngư vành tai và bào ngư dài. Theo các nhà khoa học, trong 4 loại bào ngư trên, bào ngư vành tai có nhiều tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) do kích thước, trọng lượng cơ thể lớn (dài 112mm, nặng 167g, tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 55mm). Ở Việt Nam, bào ngư vành tai phân bố ở vùng biển các tỉnh miền Trung, kéo dài đến Côn Đảo, Phú Quốc và quần đảo Trường Sa.