09:03, 15/03/2023

Tiêm vi khuẩn vào khối u giúp kích hoạt hệ miễn dịch chống lại ung thư

Theo nghiên cứu mới, việc tiêm vi khuẩn Staphylococcus aureus bất hoạt vào khối u có thể kích thích các tế bào phản ứng đầu tiên tiêu diệt khối u trong các mô hình ung thư động vật.

Theo nghiên cứu mới, việc tiêm vi khuẩn Staphylococcus aureus bất hoạt vào khối u có thể kích thích các tế bào phản ứng đầu tiên tiêu diệt khối u trong các mô hình ung thư động vật.

 

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Việc đưa vi khuẩn vào môi trường vi mô khối u (TME) sẽ tạo ra tình trạng viêm cấp tính, từ đó kích hoạt các tế bào bạch cầu trung tính - các tế bào phản ứng đầu tiên của hệ miễn dịch - tấn công khối u.

Phát hiện này được công bố trong nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan của Australia dẫn đầu.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nghiên cứu Ung thư, việc tiêm vi khuẩn Staphylococcus aureus bất hoạt vào khối u có thể kích thích các tế bào phản ứng đầu tiên (bạch cầu trung tính) tiêu diệt khối u trong các mô hình ung thư động vật, bao gồm mô ung thư biểu mô phổi Lewis, ung thư vú bộ ba âm tính, ung thư tế bào hắc tố và ung thư tuyến tụy.

Nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết các khối u đặc đều tạo ra phản ứng viêm bán cấp tính, hỗ trợ TME kích thích sự phát triển của khối u và ngăn chặn khả năng miễn dịch chống lại khối u.

Tuy nhiên, một số chế phẩm vi sinh vật có thể chuyển TME sang phản ứng viêm cấp tính giúp ức chế sự phát triển ung thư.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng bạch cầu trung tính thường có chức năng bảo vệ chống lại bệnh tật, nhưng trong một số trường hợp cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của khối u, một phần vì chúng tạo ra các phân tử bảo vệ khối u và ức chế các bộ phận khác của hệ miễn dịch.

Bà Tatyana Chtanova, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết loại bạch cầu trung tính này tồn tại để tấn công vi khuẩn lạ xâm nhập vào cơ thể.

Dựa trên nguyên lý này, các nhà khoa học đã thử nghiệm ý tưởng đưa vi khuẩn vào khối u, từ đó "thu hút" bạch cầu trung tính đến để tiêu diệt các khối u một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn phát hiện bạch cầu trung tính cũng thay đổi ở mức độ biểu hiện gene, khi chúng bắt đầu tiết ra các phân tử thu hút tế bào T -  tuyến phòng thủ thứ hai trong hệ miễn dịch của cơ thể con người - đến "tiếp viện."

Ông Andrew Yam, đồng tác giả của nghiên cứu, đánh giá liệu pháp vi sinh vật giúp tăng cường hiệu quả cho liệu pháp ức chế điểm kiểm soát (một loại liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư).

Các nhà nghiên cứu hy vọng tác dụng hiệp đồng này sẽ tạo ra phương pháp tốt nhất để cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối hoặc không thể chữa trị trước đây.

Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch phát triển liệu pháp này trong vòng 3-5 năm tới để áp dụng đối với giai đoạn ung thư di căn, với các thử nghiệm lâm sàng sẽ được thực hiện.

Theo vnanet.vn