11:12, 27/12/2022

Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa

Vừa qua, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 23 quy định một số nội dung và mức hỗ trợ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về nội dung này.

Vừa qua, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 23 quy định một số nội dung và mức hỗ trợ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về nội dung này.


- Xin bà cho biết sự cần thiết và ý nghĩa của việc ban hành nghị quyết này?

 

1

Bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ


- Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ theo Quyết định số 1062 ngày 14-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1667 ngày 13-6-2016 để hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh có sử dụng tên địa danh của tỉnh làm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý.


Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã có 11 thương hiệu sản phẩm đặc trưng của các địa phương được hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền SHTT dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý có sử dụng tên địa danh của tỉnh nhằm phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương - phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, góp phần vào thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Sầu riêng Khánh Sơn, xoài Cam Lâm, dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, táo Cam Thành Nam, nước mắm Nha Trang, yến sào Nha Trang. Các nhãn hiệu này đã được triển khai áp dụng vào thực tế và được đánh giá bước đầu có mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, các chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể được giao quản lý các nhãn hiệu đang gặp nhiều hạn chế, khó khăn về nguồn lực để tổ chức triển khai mô hình quản lý, kiểm soát và khai thác, phát triển các thương hiệu sản phẩm đặc trưng đã được xây dựng và cấp văn bằng bảo hộ. Do đó, để nâng cao hiệu quả khai thác, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng này rất cần được tiếp tục hỗ trợ từ ngân sách để triển khai hoạt động quản lý, nâng cao uy tín, chất lượng cho các thương hiệu sản phẩm trên thị trường.


Cùng với đó, hoạt động hỗ trợ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp - SHTT trong và ngoài nước đang được Phòng chuyên môn - Phòng Quản lý chuyên ngành của Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện theo nhiệm vụ thường xuyên hàng năm qua hình thức hỗ trợ hướng dẫn trực tiếp các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Bước đầu đã giúp doanh nghiệp định hướng sản xuất, kinh doanh gắn liền với tạo dựng uy tín, chất lượng cho sản phẩm hàng hóa, sản phẩm dịch vụ trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất phát từ nhu cầu tự thân của chủ thể quyền, chưa có định hướng khuyến khích hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các đối tượng quyền SHTT cần được ưu tiên hỗ trợ, như: Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh... nên tỷ lệ đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp - SHTT có tỷ lệ tăng trung bình chỉ đạt 11,1%/năm, tập trung chủ yếu là đơn đăng ký nhãn hiệu và đa phần đăng ký bảo hộ ở trong nước; các nhóm đối tượng khác, như: Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp có số lượng đơn đăng ký bảo hộ rất ít, ở mức trung bình dưới 10 đơn/năm (chủ thể sở hữu tập trung ở các viện, trường). Ngoài ra, đến nay, tỉnh chưa có giống cây trồng nào đặc trưng, đặc hữu của tỉnh được đăng ký bảo hộ và công nhận. Vì vậy, để các tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong tỉnh tăng ổn định cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt tăng tỷ lệ đơn đăng ký bảo hộ cho các đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ tài chính để thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước trong thời gian tới.


Thực hiện Quyết định số 1068 ngày 22-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 và Quyết định số 2205 ngày 24-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3621 ngày 5-5-2021 triển khai thực hiện Chiến lược SHTT của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 2049 ngày 19-7-2021. Ngày 9-9-2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 75 quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, có quy định: “Đối với nhiệm vụ do địa phương quản lý, căn cứ vào các công việc có liên quan, điều kiện cụ thể của từng địa phương, UBND tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương để thực hiện”.


Do đó, để cụ thể hóa các nội dung chi, mức chi hỗ trợ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương, ngày 15-11-2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23 quy định một số nội dung và mức hỗ trợ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.  


- Theo Nghị quyết số 23, đối tượng áp dụng, nội dung và mức chi hỗ trợ được quy định như thế nào? Sở Khoa học và Công nghệ sẽ làm gì để triển khai nghị quyết này trong thời gian tới, thưa bà?


-  Đối tượng áp dụng là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động đăng ký kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa tham gia quản lý, thực hiện chương trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.


Nghị quyết quy định nội dung và mức hỗ trợ như sau: Về đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong nước, đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký, công nhận giống cây trồng mới, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn; đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, mức hỗ trợ 12 triệu đồng/văn bằng bảo hộ. Về đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở nước ngoài, đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký, công nhận giống cây trồng mới, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn. Mỗi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được chọn nhiều nội dung đề nghị hỗ trợ, mỗi nội dung hỗ trợ không quá 2 lần/năm.


Thông qua chính sách hỗ trợ từ nghị quyết này sẽ thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHTT, phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh ở trong và ngoài nước. Từ đó, tạo động lực phong trào lao động, nghiên cứu sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh và tạo uy tín, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế.


Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung nghị quyết đến các đối tượng thụ hưởng chính sách và đẩy mạnh hỗ trợ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp - SHTT trong và ngoài nước để số lượng đơn đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của tỉnh tăng ổn định cả về số lượng và chất lượng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của tỉnh phù hợp với xu thế hội nhập và góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.


- Xin cảm ơn bà!


KIỀU CHÂU (Thực hiện)