Trong quá trình sản xuất, ông Lưu Công Vinh (thôn Vĩnh Châu, xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang) đã nghiên cứu, cải tiến thành công kỹ thuật thuộc da không sử dụng hóa chất nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm, đặc biệt là giảm thiểu các chất thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp cải tiến này đạt giải ba Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh năm 2019.
Trong quá trình sản xuất, ông Lưu Công Vinh (thôn Vĩnh Châu, xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) đã nghiên cứu, cải tiến thành công kỹ thuật thuộc da không sử dụng hóa chất nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm, đặc biệt là giảm thiểu các chất thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp cải tiến này đạt giải ba Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh năm 2019.
Đảm bảo môi trường
Cơ sở thuộc da Vinh (hiện nay là Tổ hợp tác Thuộc da) hoạt động từ năm 1979 đến nay. Hiện nay tổ hợp tác có 5 thành viên cùng góp vốn sản xuất, kinh doanh. Ông Lưu Công Vinh - thành viên của tổ, người thực hiện giải pháp cải tiến kỹ thuật thuộc da không sử dụng hóa chất cho biết, trước đây, tổ hợp tác của ông luôn phải nhập khẩu hóa chất (bột Tanin - chất chát; phèn Crome - chất thuộc da…) có xuất xứ từ Trung Quốc và Đức về sản xuất. Trong quá trình sản xuất, ông nhận thấy những hóa chất thuộc da này sau khi đưa vào sử dụng đã thải ra môi trường không ít chất thải độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng. Sau đó, ông thay thế bằng các loại nguyên liệu khác như: Vỏ cây dương liễu, cây gõ, cây đước; hạt cau già dùng trong thuộc da. Thế nhưng, chi phí giá thành nguyên liệu cao, chưa kể việc sử dụng lâu dài những loại cây, vỏ trên đã làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu, nhất là ảnh hưởng đến hệ thực vật môi trường (sau khi tách vỏ, cây sẽ chết…).
Từ đó, câu hỏi làm cách nào để chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm giá thành chi phí đầu vào và giảm giá sản phẩm đầu ra, đảm bảo môi trường mà vẫn giữ được chất lượng thuộc da cứ hiện diện trong ông. Một lần đi qua cơ sở chế biến hạt điều, thấy vỏ điều phế liệu rất nhiều, ông chợt nghĩ ra ý tưởng dùng vỏ hạt điều thay thế. Ông bắt đầu lấy vỏ về nghiên cứu và phát hiện vỏ lụa hạt điều có hàm lượng Tanin rất cao. Sau nhiều lần tiến hành thí nghiệm, kết quả cho ra sản phẩm thuộc da đẹp, bền, dẻo không kém Tanin nhập khẩu. “Việc dùng nguyên liệu vỏ hạt điều không chỉ tiết kiệm được chi phí đầu vào, mà còn đảm bảo chất lượng da mềm, dẻo, bền, đẹp, tốt hơn so với cách làm cũ; đặc biệt giảm thiểu các chất thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường”, ông Vinh nói.
Tiết kiệm khoảng 50% chi phí đầu vào
Trao đổi với chúng tôi về quy trình thuộc da, ông Vinh cho biết, da bò tươi sau khi được mua về từ các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP. Nha Trang đem ngâm muối bảo quản từ 5 đến 7 ngày nhằm loại bỏ những tạp chất không cần thiết; cho vào máy bào sạch các tạp chất cũng như lớp mỡ thừa trên da; ngâm da với vôi để tách lông; sau đó ngâm da với dung dịch bột mì khoảng 12 giờ để khử vôi và làm mềm da. Sau khi thực hiện các bước làm sạch, da được ngâm vào hồ nước có chứa vỏ hạt điều từ 30 đến 40 ngày và vớt ra ngâm nước sạch 2 - 3 ngày. Trong quá trình ngâm da với vỏ hạt điều đã được xay nhuyễn làm cho da mềm, bền hơn. Ngoài ra, vỏ hạt điều có tác dụng nhuộm da, làm da bóng và tốt hơn so với dùng chất Tanin và các chất thực vật khác. Sau khi hoàn thành các bước, các tấm da được ủi bằng máy, tiếp đó bào da bằng thủ công để làm da căng hơn, kịp thời phát hiện, loại bỏ các tạp chất, tạo độ bền cho da. Cuối cùng, những tấm da thành phẩm được phơi ngoài trời nắng khoảng 12 giờ.
Với phương pháp thuộc da này, tổ hợp tác tiết kiệm vật tư, chi phí đầu vào khoảng 50%. Đặc biệt, nguyên liệu sử dụng hoàn toàn sẵn có trong tự nhiên, không dùng hóa chất công nghiệp độc hại nhưng vẫn cho ra sản phẩm da sau khi thuộc có đặc tính tốt như: Giữ được độ bền và nâng cao chất lượng sản phẩm thuộc da. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, nguyên liệu sản xuất của tổ hợp tác khoảng 9.000kg da bò; 4.500kg vỏ hạt điều; 1.500kg muối… Đầu ra của sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất giày tại TP. Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp cho biết: “Trong quá trình ngâm vỏ hạt điều chiết xuất chất Tanin, nước ngâm được tổ hợp tác tái sử dụng, không thải ra môi trường, tránh sự lãng phí, tiết kiệm trong giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên. Hiện nay, tổ hoạt động rất hiệu quả, hàng tháng cho thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng/hộ. Mô hình sản xuất tuy nhỏ nhưng đã góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương”.
KHÁNH HÀ