12:05, 18/05/2020

Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng đạt hiệu quả cao

Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được nhiều thành công trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả công việc. Phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở khoa học và công nghệ xung quanh vấn đề này.

Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được nhiều thành công trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả công việc. Phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN xung quanh vấn đề này.


- Xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật trong việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

 


- Thời gian qua, hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng khẳng định vai trò là đòn bẩy, động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nghiệm thu và triển khai giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả cho hơn 60 đề tài, dự án, đề án khoa học thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên; kỹ thuật - công nghệ; nông nghiệp; y dược; xã hội và nhân văn. Đa phần các nhiệm vụ sau khi được nghiệm thu và giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đã mang lại kết quả nhất định; trong đó không ít lĩnh vực được đưa vào ứng dụng thực tế, phục vụ phát triển KT-XH địa phương.


Điển hình như lĩnh vực nông nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học góp phần chuyển giao nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi, có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của người dân từng vùng miền và địa phương trong tỉnh như: Bộ giống mía, mì, bắp, đậu chịu hạn; các giống lúa cho năng suất và chất lượng cao. Nhiều quy trình kỹ thuật trồng, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP như: Cây bưởi da xanh Khánh Vĩnh, Khánh Sơn; xoài Úc, xoài Cát Hòa Lộc ở Cam Lâm; dừa xiêm xanh, cây tỏi ở Ninh Hòa và Vạn Ninh; táo Cam Thành Nam, Cam Ranh…


Nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, một số đề tài chú trọng vào sản phẩm, cây trồng chủ lực như: mô hình bao quả xoài tươi nhằm tạo ra sản phẩm xoài sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người trồng và người tiêu dùng; quy trình xử lý chín tập trung quả sầu riêng Khánh Sơn; bảo quản tỏi sau thu hoạch...


Bên cạnh cây trồng, lĩnh vực thủy sản cũng đã chuyển giao các giống nuôi mới cung cấp cho người dân ở các địa phương trong và ngoài tỉnh như: cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ, cá bớp, cá gáy, sá sùng, tu hài, ốc hương, điệp seo…


Song song đó, trong kế hoạch xây dựng hàng năm, Sở KH-CN còn tham mưu tỉnh hỗ trợ tích cực để khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nghiên cứu và ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, xây dựng mô hình liên kết và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Từ năm 2016 đến nay, Sở KH-CN đã hỗ trợ hơn 10 DN chủ trì thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH-CN gồm: Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa; Công ty TNHH Vạn Hương; Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh; Công ty TNHH Trí Tín; Công ty TNHH Mentech; Công ty TNHH Tự động hóa MenT...


- Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động KH-CN còn gặp khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?


- Hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Đó là một số cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút DN tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu chậm ban hành; nguồn lực đầu tư cho hoạt động KH-CN còn ít, chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chưa có sự huy động từ các nguồn lực khác, đặc biệt là từ DN. Một số sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố chưa thật sự quan tâm và chủ động trong công tác đề xuất, đặt hàng các vấn đề, nhiệm vụ thực tiễn cần KH-CN giải quyết; chưa chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức nhân rộng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án hiệu quả vào thực tiễn…


Từ thực tế trên, sở kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư phát triển tiềm lực KH-CN thông qua việc triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Dự án Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN; Dự án Trạm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng… Đồng thời, sớm ban hành một số chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong hoạt hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động khởi nghiệp tại địa phương.


- Xin ông cho biết, một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH-CN thời gian tới?


- Thực hiện Chương trình hành động số 31 ngày 5-7-2019 của Tỉnh ủy nhằm thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở KH-CN sẽ tham mưu tỉnh đẩy mạnh triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung phát triển KH-CN và đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; tham mưu xây dựng “Chương trình KH-CN phát triển kinh tế biển giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030”.


Ngoài ra, trong kế hoạch KH-CN giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở một số chương trình lớn của tỉnh như: nông thôn mới; mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…, Sở KHCN
sẽ tham mưu xây dựng Chương trình KH-CN phục vụ phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030” với một số định hướng nghiên cứu chính như: Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp; ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chuyển giao các quy trình kỹ thuật, công nghệ mới trong canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản… Đồng thời, tiếp tục tham mưu triển khai các nhiệm vụ KH-CN thuộc các lĩnh vực là thế mạnh của địa phương như: du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục…

- Xin cảm ơn ông!


CẨM VÂN (Thực hiện)