10:12, 07/12/2017

Đèn LED tiết kiệm năng lượng làm tăng mức ô nhiễm ánh sáng

Các nhà nghiên cứu cho biết đèn LED là một cuộc cách mạng về năng lượng, nhưng sự phổ biến rộng rãi của nó dẫn tới sự gia tăng ô nhiễm ánh sáng trên toàn thế giới - với những hậu quả nghiêm trọng tới sức khoẻ con người và động vật.

Các nhà nghiên cứu cho biết đèn LED là một cuộc cách mạng về năng lượng, nhưng sự phổ biến rộng rãi của nó dẫn tới sự gia tăng ô nhiễm ánh sáng trên toàn thế giới - với những hậu quả nghiêm trọng tới sức khoẻ con người và động vật.


Nghiên cứu, trên tạp chí Science Advances, dựa trên dữ liệu vệ tinh cho thấy rằng ban đêm trái đất đã và đang trở nên sáng sủa hơn và ánh sáng nhân tạo ngoài trời tăng lên với tốc độ 2,2 % mỗi năm từ năm 2012 đến năm 2016.

 



Các chuyên gia cho biết đó là một vấn đề, bởi vì ánh sáng ban đêm được biết đến làm gián đoạn đồng hồ sinh học của con người và làm tăng nguy cơ mắc ung thư, tiểu đường và trầm cảm. Đối với động vật, những ánh sáng này có thể giết chết chúng- ánh sáng thu hút côn trùng hoặc làm mất phương hướng của các loài chim di cư hoặc rùa biển.

Các nhà khoa học giải thích: "Vấn đề không chỉ là ở đèn LED, chúng hiệu quả hơn do cần ít điện hơn để cung cấp lượng ánh sáng như nhau. Thay vào đó là việc lắp đặt thêm quá nhiều bóng đèn”.

Các chuyên gia gọi đây là "phản ứng ngược", cũng giống như ở trường hợp xe tiết kiệm nhiên liệu. Người ta mua một chiếc xe hơi tốn ít nhiên liệu hơn, sau đó quyết định lái nó thường xuyên hơn hoặc chuyển nhà ra xa nơi làm việc hơn, kéo dài thời gian di chuyển của họ.

Nghiên cứu được dựa trên thiết bị đo bức xạ đầu tiên được thiết kế đặc biệt cho đèn ban đêm - bộ đo bức xạ phát hiện hình ảnh nhìn thấy/hồng ngoại (VIIRS). VIIRS được đặt trên vệ tinh Suomi NPP của Cục Quản lý Đại dương và Khí tượng Quốc gia (NOAA), quay quanh Trái đất từ tháng 10 năm 2011.

Các nhà nghiên cứu chỉ phân tích ánh sáng ban đêm trong những tháng Mười, để tránh bất kỳ sự gia tăng nào từ đèn trong thời gian lễ tết.

Bản báo cáo cho biết: "Với một số khu vực ngoại lệ, việc tăng cường ánh sáng xảy ra trên toàn Nam Mỹ, châu Phi và châu Á”.

Sự sụt giảm ánh sáng là rất hiếm hoi nhưng dễ nhận thấy ở những nơi bị chiến tranh tàn phá như Syria và Yemen. Một số khu vực sáng nhất thế giới là Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, tất cả đều tương đối ổn định. Tuy nhiên, ví dụ như Milan, mặc dù đã chuyển sang đèn LED và có giảm cường độ sáng trong giai đoạn 2012-2016, ở những nơi khác tại Ý lại có sự gia tăng về ánh sáng.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng dữ liệu vệ tinh có thể đánh giá thấp mức ánh sáng tổng thể, do nó không nhận được các bước sóng màu xanh nổi bật trong nhiều loại đèn LED. Ở cả những quốc gia không đo được dữ liệu vệ tinh, nhóm cũng khẳng định có sự gia tăng về độ sáng do xu hướng con người tiếp nhận ánh sáng.

Theo một nghiên cứu của tạp chí Kinh tế Sinh thái học từ năm 2010, ánh sáng dư thừa ban đêm không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên và cản trở việc theo dõi sao, nó cũng tiêu tốn gần bảy tỉ đô la hàng năm vào những tác động tiêu cực đến động vật hoang dã, sức khoẻ, thiên văn học và năng lượng lãng phí.

Các giải pháp bao gồm sử dụng đèn cường độ thấp hơn, tắt đèn khi không có người, và dùng đèn LED màu vàng thay vì màu xanh hoặc tím, vì chúng có khuynh hướng gây hại cho sức khoẻ con người và động vật.

Ngoài ra, với giả thuyết thông thường cho rằng đèn ban đêm làm cho thế giới an toàn hơn, các nhà khoa học cho biết không có bằng chứng kết luận rằng ánh sáng ban đêm làm giảm mức độ phạm tội. Trên thực tế, có một số bằng chứng cho thấy đèn ban đêm làm tăng số lượng phạm tội do tội phạm có thể nhìn thấy những gì họ đang làm.

Theo vista.gov