Microsoft và Qualcomm đang hợp tác chặt chẽ với nhau để tung ra các hệ thống máy tính Windows sử dụng chip ARM (tương tự như máy tính bảng hay điện thoại thông minh).
Microsoft và Qualcomm đang hợp tác chặt chẽ với nhau để tung ra các hệ thống máy tính Windows sử dụng chip ARM (tương tự như máy tính bảng hay điện thoại thông minh).
Hồi năm ngoái, bộ đôi này đã trình diễn một số hệ thống ARM sử dụng chip xử lý Snapdragon 820 và chạy hệ điều hành Windows 10. Tới nay, quá trình phát triển sản phẩm vẫn đang diễn tiến tốt đẹp, với lịch trình ra mắt một số sản phẩm thương mại ngay trong năm nay.
Theo công bố, những máy tính này sẽ sử dụng chip Snapdragon 835, tích hợp cơ chế giả lập cho phép chạy cả ứng dụng Windows truyền thống (thay vì bị giới hạn đáng kể như các hệ thống Windows RT trước đây). Chúng cũng sẽ có đủ các biến thể từ những nhà sản xuất hàng đầu như Lenovo, ASUS, HP. Số này cũng đang trong quá trình phát triển những sản phẩm riêng của mình dựa trên Windows 10 và chip ARM.
Điểm đặc biệt nhất của việc chuyển đổi từ chip x86 sang ARM chính là thời lượng pin có thể kéo dài đáng kể, thậm chí lên tới vài ngày đối với mỗi lần sạc. Đây là điều sẽ được người dùng đón nhận một cách nhiệt tình – xét trong bối cảnh các dòng máy hiện nay rất vất vả để đạt được thời lượng pin trên 10 tiếng.
Tuy nhiên, một số ý kiến phân tích cho rằng để thuyết phục được người tiêu dùng, thế hệ máy mới này của sẽ phải giải quyết được nhiều thách thức không đơn giản. Trước hết, việc giả lập các ứng dụng x86 truyền thống trên nền tảng ARM có thể sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn bình thường, trong khi hiệu năng thực sự mà người dùng có thể trải nghiệm chắc chắn sẽ bị suy giảm so với khi có được sự tương thích hoàn hảo giữa phần cứng và phần mềm.
Bên cạnh đó, với những tiêu chí chung của máy tính hiện đại như màn hình độ phân giải siêu cao, nhiều kết nối không dây tốc độ cao… thời lượng pin cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Cuối cùng, mức giá của những dòng máy này cũng sẽ là yếu tố quyết định tới lựa chọn của người dùng.
Theo hanoimoi