11:08, 19/08/2014

Khánh Hòa: Gần 80 ngư dân đăng ký vay vốn đóng tàu mới

Đến nay, ngành chức năng ở tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận gần 80 hồ sơ ngư dân đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ về "một số chính sách phát triển thủy sản".

 

 

Đến nay, ngành chức năng ở tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận gần 80 hồ sơ ngư dân đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ về “một số chính sách phát triển thủy sản”.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

 

Sau khi tham dự Hội nghị phổ biến Nghị định 67 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa tổ chức, ông Trần Văn Đạt, nhà ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, Ngư đội trưởng Ngư đội Song Tử Tây đã nộp hồ sơ vay vốn 5 tỷ đồng để đóng mới tàu cá công suất 400 CV.

 

Với số tiền này, ông Đạt dự định chọn vật liệu Composite để đóng tàu thay vì vỏ gỗ hay vỏ thép để tiết kiệm chi phí vận hành, bảo dưỡng và bảo quản thủy sản sau khai thác.

Tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 1 vạn tàu cá nhưng chỉ có khoảng 1.000 chiếc đánh bắt xa bờ. Phần lớn đội tàu này là tàu vỏ gỗ, có công suất dưới 400 CV, lạc hậu, hiệu quả thấp.

Nghị định 67 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25-8, với nhiều chính sách tín dụng ưu đãi giúp ngư dân tỉnh Khánh Hòa nâng cấp, đóng mới tàu cá. Hiện nay, tiềm năng cá ngừ tại ngư trường huyện đảo Trường Sa còn khá dồi dào; trong khi đó, hơn 50 nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh lại đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất. Vì thế, tỉnh Khánh Hòa định hướng ngư dân tập trung đầu tư các tàu lưới vây, tàu câu để khai thác cá ngừ tại khu vực này. Đồng thời, tạo mối liên kết giữa ngư dân với các nhà máy chế biến để tạo đầu ra ổn định. Hiện nay, các địa phương ở tỉnh Khánh Hòa tích cực hướng dẫn ngư dân đăng ký vay vốn, tạo điều kiện để bà con sớm tiếp cận nguồn vốn vay.

Ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, để tránh những hạn chế như chương trình vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ trước đây, tỉnh sẽ thẩm định kỹ phương án sản xuất để chọn ra được những ngư dân có năng lực, tâm huyết: “Đối tượng vay phải xác định cho rõ ràng, có năng lực sản xuất, có điều kiện tài chính. Bởi có thời gian để trả. Vay 10 tỷ trong thời hạn 11 năm ngư dân phải trả gốc và lãi là 11 tỷ,  bình quân ngư dân ngư dân 1 năm tối thiểu 1 tỷ lãi ròng mới tham gia được. Phương án sản xuất tỉnh duyệt và ngân hàng họ sẽ xem lại các phương án đó để đảm bảo thu hồi hay không tránh trường hợp đầu tư không đúng nơi, đúng chốn”.

 

Theo VOV.VN