Trong cuộc hành trình xuôi ngược Bắc Nam, khi đến Quảng Bình, mọi người thường nhắm đến khu hang động Phong Nha - Kẻ Bàng và động Thiên Đường. Không thể phủ nhận sự hấp dẫn của các danh thắng ấy đối với khách du lịch.
Trong cuộc hành trình xuôi ngược Bắc Nam, khi đến Quảng Bình, mọi người thường nhắm đến khu hang động Phong Nha - Kẻ Bàng và động Thiên Đường. Không thể phủ nhận sự hấp dẫn của các danh thắng ấy đối với khách du lịch. Tuy nhiên, Quảng Bình còn có những di tích một thời nằm ngay trung tâm thành phố và bên dòng sông Nhật Lệ mà bạn dễ dàng chạm tới và nhìn ngắm.
Một di tích hiện nay chỉ còn hơn 1km là Lũy Thầy hay còn gọi là Lũy Nhật Lệ hoặc Lũy Đồng Hới. Lịch sử nhắc đến Lũy Thầy là vào năm 1630, Đào Duy Từ (1572 - 1634) chủ xướng việc thiết kế và chỉ đạo xây dựng hai công trình phòng thủ quan trọng là Lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình và Lũy Thầy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (Đồng Hới). Ngoài một đoạn ngắn Lũy Thầy còn lưu giữ, một di tích khác gọi là Quảng Bình Quan được xây dựng cách đây 200 năm, vào thời vua Gia Long, lúc đó chỉ bằng đất. Năm 1825, vua Minh Mạng đã cho trùng tu Quảng Bình Quan và nâng cao thêm tầng tháp canh bằng loại gạch nung kiên cố. Năm 1947, thực dân Pháp đã biến Quảng Bình Quan thành giá treo cổ những chiến sĩ du kích địa phương. Năm 1954, Quảng Bình Quan bị Pháp đặt bom đánh sập. Năm 1961, nơi đây được trùng tu lại, nhưng năm 1966 không quân Mỹ thả bom khiến Quảng Bình Quan bị sập đổ hoàn toàn. Đến năm 1993, Quảng Bình Quan được trùng tu giống như hiện trạng bây giờ. Quảng Bình Quan là cổng thành chiến lược trên con đường Bắc Nam vào thời đó, còn hiện tại thì bị bao bọc bởi những tòa nhà cao tầng. Nhờ Quảng Bình Quan chiến lược này mà 7 lần Chúa Trịnh đưa quân vào Nam đều bị chặn lại.
Ngay bên bờ sông Nhật Lệ còn có một di tích hiện đang được rào chắn và bảo vệ, đó là nhà thờ Tam Tòa. Trong nắng chiều chao nghiêng, nhà thờ Tam Tòa với màu đen xám nổi bật trên nền trời, bên dưới là cỏ xanh mượt và phía sau là dòng sông Nhật Lệ hiền hòa đang đổ nước về biển cả. Nhà thờ Tam Tòa xây dựng năm 1887, do linh mục Clause Bonin đảm nhận. Vào năm 1940, linh mục René Morineau đã tái thiết lại. Nhà thờ này còn được biết đến nhiều bởi vào năm 1912, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã đến đây rửa tội, với tên thánh là François Nguyễn Trọng Trí. Đến năm 1954, nhà thờ Tam Tòa gần như ngưng hoạt động. Trong cuộc chiến tranh, một trận bom Mỹ vào ngày 11-2-1965 thả ngay nhà thờ khiến cho công trình kiến trúc này bị hư hỏng. Dấu vết hiện tại còn là tháp chuông, một cột gạch phía sau. Năm 1997, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định đưa khu vực tháp chuông nhà thờ Tam Tòa trở thành khu chứng tích tội ác chiến tranh và là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Một điểm đến không xa mấy ở bờ sông Nhật Lệ chính là tượng đài Mẹ Suốt. Mẹ tên thật là Nguyễn Thị Suốt (1906 - 1968), quê ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh. Mẹ lái đò trong 18 năm. Vào thời kỳ chiến tranh, mẹ đã lái đò chở bộ đội, thương binh và vũ khí qua sông Nhật Lệ. Ngày 21-8-1968, trong một lần đi ở bến đò Bảo Ninh sơ tán ở phía nam cách bến đò cũ 3km, mẹ Nguyễn Thị Suốt mất trong một trận oanh tạc Mỹ. Người ta ước tính, mỗi năm con đò của mẹ qua lại đến 1.400 chuyến. UBND thị xã Đồng Hới đã cho dựng tượng đài Mẹ Suốt được khánh thành năm 2003, nơi bến đò xưa mẹ đưa quân qua sông. Bức tượng mẹ do nhà điêu khắc Phan Đình Tiến thiết kế. 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu khắc trên tượng đài Mẹ Suốt: “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/Gió lay như sóng biển tung trắng bờ/Gan chi gan rứa mẹ nờ?/Mẹ rằng: cứu nước mình chờ chi ai”.
Giờ đây, đến TP. Đồng Hới, ta gặp ở đây một sự yên bình và gặp những con người Quảng Bình chân chất dễ thương. Đi và chạm những di tích ấy cũng là một cách cảm nhận và yêu quý cuộc sống này.
NHƯỢC QUÂN