Nha Trang không chỉ có bãi biển dài thơ mộng và những món ngon đặc trưng của xứ trầm hương mà còn có những ngôi chùa chứa đựng bên trong vẻ đẹp tĩnh mịch, trầm mặc và những câu chuyện rất riêng…
Nha Trang không chỉ có bãi biển dài thơ mộng và những món ngon đặc trưng của xứ trầm hương mà còn có những ngôi chùa chứa đựng bên trong vẻ đẹp tĩnh mịch, trầm mặc và những câu chuyện rất riêng…
Chùa Phật trắng – ngôi chùa lâu đời giữa lòng phố
Cách ga Nha Trang về hướng Bắc khoảng 1km, du khách đi ngang đường 23/10 thường hướng mắt về tượng Phật Thích Ca được sơn trắng trên núi Trại Thủy. Tượng đặt trên Phật đài có chiều cao từ mặt bằng lên 24m, từ đế lên 21m, đường kính đài sen rộng 10m, phần tượng kim thân Phật tổ cao 14m, tư thế tọa thiền, uy nghi giữa bầu trời lại được sơn trắng toát nên người dân Nha Trang quen gọi Phật trắng.
Điều thú vị là phần thân tượng được thực hiện tại đỉnh núi, còn phần đầu tượng được điêu khắc gia Phúc Điền cho tạo tác tại Chợ Lớn – Sài Gòn. Chung quanh đế Phật đài có hình 7 vị Thánh tử đạo. Trước Phật đài có cặp rồng dài 7,2m, hai bên thành bậc cấp dẫn lên Phật đài.
Tượng Phật trắng thuộc chùa Long Sơn - nằm dưới chân núi Trại Thủy. Tượng do Thượng tọa Thích Đức Minh, bấy giờ là Hội trưởng Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa và điêu khắc gia Phúc Điền tổ chức thực hiện trong hai năm 1964-1965.
Để lên viếng kim thân Phật tổ, du khách phải đi lối bên hông trái của chùa và bước lên 193 bậc cấp. Ở bậc thứ 44, chùa đặt pho tượng lộ thiên đức Phật Thích Ca nhập niết bàn được xây dựng vào năm 2003 có chiều dài 7m, cao 5m, phía sau là bức phù điêu mô tả chư vị tỳ kheo đang niệm Phật. Lên vài bậc cấp nữa là tháp chuông với quả đại hồng chung cao 2,2m, nặng 1.500 kg.
Ngoài tượng Phật nằm trên đỉnh núi, tại chính điện rộng 1.670m2, còn có tượng đức Phật Thích Ca thuyết pháp bằng đồng cao 1,6m, nặng 700 kg; hai bên có phù điêu Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Đặc biệt trong điện Phật có đặt cặp nến lớn, mỗi cây nặng 900 kg, cao 3,4 m do nghệ nhân Thượng tọa Thích Hiển Chơn (kỷ lục gia Việt Nam) thực hiện tại chùa An Phú (TP HCM), cư sĩ Phạm Nhật Vũ cúng dường năm 2008.
Ở sân trước gần cổng tam quan, vào ngày
24 – 5 - 2008, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa và chùa đã tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Bồ tát Quảng Đức. Tượng bằng đá granite trắng nặng 12 tấn, cao 8m, trong đó phần thân tượng Bồ tát cao 6m. Đây là tượng Bồ tát Quảng Đức lớn nhất Việt Nam.
Được biết, chùa Long Sơn do Hòa thượng Thích Ngộ Chí dựng trên núi Trại Thủy (xưa còn có tên là núi con Dơi) vào năm 1886, tên là chùa Đăng Long. Năm 1900, sau một trận bão lớn, chùa bị hư hỏng và dời trên núi xuống địa điểm hiện nay.
Chùa Tòng Lâm Lô Sơn – Đại tượng Phật cao nhất Việt Nam
Từ chùa Phật Trắng theo đường qua Vĩnh Phương khoảng 12km là đến núi Đá Lố. Tòng Lâm Lô Sơn Tịnh Độ, tọa lạc tại Núi Đá Lố nên nhiều người thường gọi là chùa Đá Lố, do cố đại lão Hòa Thượng Thích Chánh Ký, lúc đó ngài là Thượng thủ Tăng già Phật giáo Khánh Hoà đã đứng ra lập chùa vào năm 1957. Ban đầu chùa được dựng bởi những mái tranh mộc mạc đơn sơ và được Giáo hội Tăng già Khánh Hoà an danh Tòng lâm lô sơn tịnh nghiệp tự.
Chùa Đá Lố có một giai đoạn hoang tàn xuống cấp, bỏ vắng nhiều năm, không một bóng người đến viếng thăm vì nhiều lý do. Đến năm 1995, Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đã ủy thác Thượng Tọa Thích Trừng Thi đến làm trụ trì. Sau nhiều năm tháng khai hoang, gỡ mìn, tháng 7-2002, Thượng tọa Thích Trừng Thi chính thức động thổ trùng hưng chùa. Năm 2009, chùa khởi công xây dựng Đại phật Từ Phụ A Di Đà. Đại tượng có tổng chiều cao 44m, đường kính 9m, trong đó phần chân đế đài sen có đường kính 24m. Thân tượng 37 m, tượng trưng cho 37 phẩm trợ đạo, đứng trên hoa sen lơ lửng giữa hư không, bên dưới là bể cả sóng dập chập chùng, mắt Ngài nhìn xuống xa xăm, tay trái đưa lên ngang ngực, tay phải duỗi xuống như sẵn sàng tiếp độ mọi người đang đắm chìm trong bể khổ, sông mê. Đại tượng đã được xác lập kỷ lục cao nhất Việt Nam.
Tòng Lâm Lô Sơn ngày nay không chỉ là nơi thâm nghiêm, tịnh cảnh, nơi chư tăng, Phật tử chiêm bái, tu học, tu nhân hướng thiện mà còn là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh của TP Nha Trang. Thời gian gần đây nhiều đoàn khách du lịch, hành hương đã tìm đến chùa Đá lố và Đại tượng để chiêm ngắm và cầu an.
Chùa Hải Ấn – Kỳ bí với những điển tích
Nếu ai đã hành hương qua hai chùa Phật Trắng và Đá Lố nhưng lại bỏ qua chùa Hải Ấn (chùa Hang) sẽ thật thiếu sót bởi đây vừa là một danh thắng đẹp lại mang nhiều điển tích thú vị cùng với tượng Phật Thích ca Mâu ni Niết bàn dài gần 13m, rộng hơn 4m và cao trên 3m nằm lưng chừng núi Sơn – Thủy.
Từ Trung tâm thành phố Nha Trang đi theo đường 2/4 về hướng Bắc khoảng 3 km là đến chùa Hải Ấn (thuộc phường Vĩnh Phước). Dân quanh vùng thường gọi chùa Hang, bởi trong chùa có một cái hang ăn sâu lên trên đỉnh núi. Tương truyền, hang động do một con hổ đào. Vào năm 1968, cố Ni sư Thích Nữ Chánh Lượng đến đây lập một am thờ Phật ngay trong hang, suốt trong hai năm liền, "nhất bộ nhất bái" (mỗi bước một lạy) trì kinh Pháp Hoa để cầu nguyện được lập nên một ngôi chùa. Chùa xây phía bên ngoài cạnh hang động hoàn thành vào năm 1971. Hang động đến nay vẫn còn và nằm bên phải chánh điện. Hai bên cửa hang có bộ tượng "Khuyến Thiện - Trừng Ác" trấn giữ, vào bên trong hang không khí khác hẳn, im ắng và mát rượi. Trong hang nay có thờ Phật, Bồ Tát và Tổ khai sơn.
Chùa còn có một giếng nước được cho là do Ni sư Thích Nữ Chánh Lượng cầu xin mà được. Vì đây là vùng núi đá, dân trong vùng không đào được giếng nên khi Ni sư đòi đào giếng mọi người đã can ngăn. Nhưng trước sự cương quyết của Ni sư, công nhân đã đào theo hướng Ni sư chỉ dẫn và chỉ đào sâu vài mét núi đã có mạch nước ngọt. Hiện giếng nước vẫn hiện hữu trong chùa.
Chùa có những dãy bậc cấp lên phía trên đỉnh núi. Du khách đến đây có thể vừa du sơn vừa ngoạn thủy và phóng tầm mắt bao quát thành phố Nha Trang. Ngọn núi phía sau lưng chùa được tôn trí những tượng đài, gác chuông, tạo nên một cảnh quan kỳ thú, một danh thắng tâm linh của thành phố biển Nha Trang.
Tuệ An