19:58, 01/12/2023

Thận trọng với việc mở rộng dịch vụ lặn biển

THÀNH NGUYỄN

Mới đây, Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đề xuất cho phép thí điểm lặn biển thể thao giải trí ở 4 khu vực trong vịnh Nha Trang. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng như lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đều thống nhất quan điểm cần thận trọng trong việc mở rộng thí điểm hoạt động lặn biển, bởi nếu làm vội vàng, thiếu cơ sở khoa học có thể ảnh hưởng đến các rạn san hô.

Đề xuất thí điểm 4 khu vực lặn biển 

Dịch vụ lặn biển là sản phẩm được nhiều du khách ưa thích khi đi các tour trong khu vực vịnh Nha Trang. Tháng 6-2022, sau khi phát hiện các rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun bị suy giảm nghiêm trọng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động lặn biển ở khu vực này để phục hồi rạn san hô. Theo báo cáo của BQL vịnh Nha Trang, trước đây, có 17 doanh nghiệp (DN) đăng ký tổ chức kinh doanh dịch vụ lặn biển tại vùng nước quanh đảo Hòn Mun với 6 điểm lặn. Sau khi tạm dừng lặn biển ở khu vực biển Hòn Mun, BQL vịnh Nha Trang đã thiết lập điểm lặn tạm thời ở khu vực biển Hòn Rơm để các DN có giấy phép lặn biển ở Hòn Mun chuyển về đây hoạt động. Đồng thời, BQL vịnh Nha Trang cũng yêu cầu khách tham gia lặn biển ở Hòn Rơm phải có chứng chỉ lặn biển thể thao chuyên nghiệp.

Hoạt động lặn biển ở khu vực Hòn Mun tạm dừng từ cuối tháng 6-2022 đến nay để phục vụ công tác bảo tồn, phục hồi vịnh Nha Trang. Ảnh: Phương Đỗ

Theo ông Đàm Hải Vân - Phó Trưởng BQL vịnh Nha Trang, giải pháp nêu trên là cần thiết nhưng cũng gây khó khăn nhất định cho các DN. Chính vì vậy, cùng với việc điều tra, nghiên cứu và tổ chức phân vùng các phân khu chức năng của Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, cần có giải pháp tạm thời để hỗ trợ các DN kinh doanh dịch vụ lặn biển trên vịnh Nha Trang phục hồi và duy trì hoạt động sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sau khi nghiên cứu và khảo sát, BQL vịnh Nha Trang đề xuất 4 khu vực thí điểm triển khai lặn biển giải trí, gồm: Khu vực phía bắc Hòn Rùa; khu vực thả rạn nhân tạo ở phường Vĩnh Hòa; khu vực phía đông bắc đảo Trí Nguyên; vùng nước giữa Bãi Tranh và Bãi Sỏi, phía đông đảo Trí Nguyên.

Cần khảo sát kỹ 

Tại cuộc họp ngày 29-11 do UBND tỉnh tổ chức, các nhà khoa học và đại diện các sở, ngành thống nhất, dịch vụ lặn biển giải trí là một sản phẩm du lịch đặc trưng của Nha Trang. Do đó, việc đề xuất triển khai thí điểm các điểm lặn biển tạm thời là cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm cần thận trọng, có cơ sở khoa học. Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học bày tỏ: “Tôi thấy dữ liệu đầu vào ở những điểm mà BQL vịnh Nha Trang đề xuất thí điểm lặn biển còn thiếu tính khoa học, chưa thấy nói đến độ phủ san hô, mật độ, kích thước các loài cá rạn sinh sống ở các khu vực này. Chính vì vậy, nếu triển khai thí điểm lặn biển cần phải khảo sát, đánh giá hiện trạng rạn san hô ở các khu vực này; mật độ, kích thước các loài cá sống trong các rạn san hô… để sau khi triển khai thí điểm một thời gian, chúng ta quay lại khảo sát đánh giá mức độ tác động của hoạt động lặn biển ở các khu vực này, từ đó sẽ đưa ra quyết định dừng lại hay tiếp tục triển khai”.

Lãnh đạo Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Chi nhánh ven biển và các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, cần thận trọng trong việc triển khai thí điểm dịch vụ lặn biển ở vịnh Nha Trang. Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Như Hưng - Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Chi nhánh ven biển cho rằng, trong bối cảnh tỉnh đang triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, trong đó có việc bảo tồn và phục hồi các rạn san hô, việc triển khai thí điểm thêm các điểm lặn mới trong giai đoạn này cần hết sức thận trọng. Nếu triển khai phải khảo sát, ghi lại số liệu khoa học và hình ảnh để so sánh, đánh giá về sau và phải có sự tham gia của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu khoa học để có đánh giá khách quan.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã dày công nghiên cứu kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang và đang từng bước triển khai kế hoạch này. Quan điểm của tỉnh là phát triển bền vững, khai thác kinh tế ở vịnh nhưng phải làm tốt việc bảo tồn. Đồng tình với quan điểm của các nhà khoa học, đồng chí Đinh Văn Thiệu yêu cầu BQL vịnh Nha Trang phải phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học khảo sát lại các điểm dự kiến thí điểm lặn biển để có dữ liệu đánh giá, sau đó hoàn thiện phương án trình UBND tỉnh xem xét (thời gian thí điểm không quá 1 năm). Sau khi kết thúc thí điểm sẽ đánh giá lại để tính toán dừng lại (nếu có tác động đến rạn san hô) hoặc tiếp tục giao mặt nước cho DN hoạt động. Đồng chí cũng yêu cầu ngành Du lịch cần khuyến khích DN nâng cao chất lượng dịch vụ lặn biển để trở thành dịch vụ cao cấp thay vì khai thác đại trà như hiện nay.

Tháng 9-2023, trong quá trình thực hiện bài viết “Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị vịnh Nha Trang”, phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học về việc quản lý hoạt động lặn biển. Theo ông Tuấn, để việc phục hồi và bảo tồn các rạn san hô bền vững cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cần phải quản lý chặt hơn nữa dịch vụ lặn biển theo hướng hạn chế số lượng khách lặn, ở một số khu vực chỉ cho phép khách có bằng lặn chuyên nghiệp được cấp bởi Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp thế giới (PADI) hoặc Hiệp hội Lặn biển quốc tế (SSI) thay vì cho phép đại trà như hiện nay. 

THÀNH NGUYỄN