22:53, 24/10/2023

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch

THÀNH NGUYỄN

Những năm gần đây, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch. Bước đầu, việc chuyển đổi số trong ngành du lịch đã mang lại một số trải nghiệm mới cho du khách, giúp việc quảng bá du lịch thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để hình thành một hệ sinh thái chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, ngành du lịch còn nhiều việc phải làm.

Những ứng dụng nổi bật

Đến tham quan Khu di tích Tháp Bà Ponagar, sau khi qua cổng soát vé, nhiều du khách đưa chiếc điện thoại thông minh lên quét mã QR ngay bên lối đi để truy cập vào phần thuyết minh tự động giới thiệu về quần thể di tích thay cho việc nhờ hướng dẫn viên. “Ứng dụng này rất hữu ích, bởi không phải ai cũng có điều kiện để nhờ hướng dẫn viên thuyết minh, nhất là khách đi lẻ. Bài thuyết minh rất rõ ràng, dễ hiểu… cung cấp được nhiều thông tin về thời gian, nét kiến trúc đặc trưng của quần thể Tháp Bà Ponagar” - chị Nguyễn Hương Liên (du khách đến từ Hà Nội) bày tỏ. Sử dụng mã QR để truy cập Audio Guide (hệ thống thuyết minh tự động) là điểm mới dễ thấy nhất trong việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh trong thời gian qua. Ngoài Tháp Bà Ponagar, trung tâm đã thực hiện dán mã QR để khách truy cập Audio Guide ở nhiều di tích - danh thắng khác, như: Thành cổ Diên Khánh, miếu thờ Trịnh Phong (Diên Khánh), danh thắng Hòn Chồng (Nha Trang), đình Phú Cang (Vạn Ninh)… Riêng Khu di tích Tháp Bà Ponagar còn có ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 để khách tham quan từ xa thông qua máy tính, điện thoại thông minh. 

Du khách quét mã QR để nghe thuyết minh tự động tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar.
Du khách quét mã QR để nghe thuyết minh tự động tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar.

Cùng với Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh có nhiều ứng dụng chuyển đổi số trong việc điều hành, quản lý trên hệ thống phần mềm chuyên dụng mang lại tiện ích, đa dạng dịch vụ, sản phẩm du lịch, tăng giá trị trải nghiệm cho khách tham quan. Nổi bật, Công ty Cổ phần Vinpearl với ứng dụng công nghệ Face ID trong việc làm thủ tục check-in cho khách du lịch. Khu du lịch Suối khoáng nóng I-resort Nha Trang đã triển khai hệ thống bán vé tự động để nâng cao hiệu quả phục vụ khách. Ở mỗi dịch vụ có clip và chữ giới thiệu tóm tắt về dịch vụ. Khách hàng có thể dễ dàng chọn loại dịch vụ và số vé cần mua, sau đó thanh toán thông qua quét mã QR. Ở Bãi Dài, Khu nghỉ dưỡng Alma đã ra mắt ứng dụng di động Alma Resort với các tính năng như: Cung cấp thông tin thực đơn các nhà hàng, quầy bar, dịch vụ ăn uống tại phòng và chương trình khuyến mãi; tích hợp chức năng cho phép người dùng góp ý về các dịch vụ của khu nghỉ dưỡng. 
Cần đồng bộ trong chuyển đổi số

Có thể nói, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, do còn gặp khó khăn về kinh phí, nhân sự... nên đa số doanh nghiệp du lịch ở Khánh Hòa mới chỉ dừng lại ở những ứng dụng phổ biến như: Lập trang web, Facebook để quảng bá và bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch vẫn thiếu đồng nhất nên hiệu quả chưa cao. Dễ nhận thấy nhất là việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của Khánh Hòa còn chậm, các trang web quảng bá du lịch chưa được đầu tư xứng tầm, dữ liệu số về hoạt động du lịch còn manh mún. “Đà Nẵng có trang web https://danangfantasticity.com (Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng quản lý) giúp các doanh nghiệp quảng bá rất tốt. Du khách chỉ cần truy cập vào trang này là có gần như đầy đủ thông tin về du lịch Đà Nẵng… Trong khi đó, du lịch Khánh Hòa phát triển không hề thua kém Đà Nẵng nhưng trang web giới thiệu về du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa còn hạn chế”, chị Bảo Chi - khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch thẳng thắn nhìn nhận, dù đã có nhiều nỗ lực song việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Để đẩy mạnh chuyển đổi số cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Từ năm 2020, Sở Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch Khánh Hòa đến năm 2025. Trong đó, Sở Du lịch sẽ chủ trì triển khai nhiều dự án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi; xây dựng dữ liệu số về du lịch… Vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Dự án Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch. Sắp tới, Sở Du lịch sẽ đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn và thực hiện các bước lựa chọn nhà thầu để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã có văn bản trình UBND tỉnh thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hệ thống kho dữ liệu và phần mềm nghiệp vụ ngành Du lịch; cho chủ trương thực hiện Dự án Xây dựng hướng dẫn viên du lịch ảo trên thiết bị di động… Ngoài ra, theo kế hoạch, trong năm 2024, Sở Du lịch sẽ thực hiện Dự án Xây dựng bản đồ số du lịch Khánh Hòa. “Bản đồ số du lịch sẽ tích hợp các địa điểm tham quan, lưu trú, mua sắm, giải trí, ẩm thực, trung tâm thể thao, bệnh viện, các trạm xe buýt, sân bay… Khi hoàn thành, du khách có thể tra cứu bản đồ xem thông tin, chỉ đường, định vị, tìm kiếm, lọc vị trí rất thuận lợi”, bà Thanh cho biết.

Theo các chuyên gia du lịch, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là xu thế tất yếu, chính vì thế cần phải có sự đồng bộ, gắn kết các chủ thể chính trong ngành du lịch trên môi trường số bao gồm: Cơ quan quản lý, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, khách du lịch. Theo đó, ngành Du lịch cần triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành. Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành Du lịch cần đồng hành trong việc tăng tốc chuyển đổi số để góp phần phát triển du lịch bền vững. 

THÀNH NGUYỄN