Thời gian gần đây, tỉnh Khánh Hòa quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối nhằm khai thác thị trường khách du lịch Ấn Độ. Với dân số trên 1,4 tỷ người, đây là một thị trường rất tiềm năng, tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường này còn nhiều việc phải làm.
Thời gian gần đây, tỉnh Khánh Hòa quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối nhằm khai thác thị trường khách du lịch Ấn Độ. Với dân số trên 1,4 tỷ người, đây là một thị trường rất tiềm năng, tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường này còn nhiều việc phải làm.
Thị trường tiềm năng
Ngày 19-8, UBND tỉnh phối hợp với Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch Ấn Độ vào các tỉnh Nam Trung Bộ. Phát biểu tại hội nghị, ông Bhati - đại diện Bộ Du lịch Ấn Độ cho biết: “Sau dịch Covid-19, người Ấn Độ đã thay đổi thói quen du lịch. Thống kê cho thấy, nhu cầu du lịch các điểm đến gần và dễ xin thị thực của khách Ấn đã tăng 30-35% mỗi tháng. Đó là tín hiệu để những doanh nghiệp du lịch lữ hành ở Ấn Độ thay đổi chính sách quảng bá, tìm kiếm thị trường theo xu hướng gần, ngắn ngày và giá cả hợp lý, trong đó Việt Nam là điểm đến được nhiều người quan tâm”. Tương tự, ông Rajeev Kale, đại diện hãng lữ hành Thomas Cook (Ấn Độ) khẳng định Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn tại Ấn Độ. Điều này không chỉ dừng lại ở nhóm khách hàng là các doanh nghiệp mà cả đối tượng là nhóm gia đình, giới trẻ và các cặp vợ chồng. “Hiện nay, khách du lịch Ấn Độ sẵn sàng chuyển sang những điểm đến chặng ngắn, thuận tiện và giá cả phải chăng hơn là chọn tour dài ngày với các điểm đến truyền thống như trước kia”, ông Rajeev Kale nói.
Trước dịch Covid-19, Ấn Độ đứng thứ 16 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có khách quốc tế vào Việt Nam với gần 200.000 khách vào năm 2019. Hiện nay, với chính sách mở cửa du lịch thông thoáng, thị trường Ấn Độ đã phục hồi rất nhanh. Ông Phạm Văn Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: “Trong tháng 7-2022, đã có 11.700 lượt khách Ấn Độ đến Việt Nam; tiềm năng của thị trường này vẫn còn rất lớn, điều quan trọng là ngành du lịch phải có chiến lược để khai thác hiệu quả. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có vị trí điều kiện tự nhiên, văn hóa rất thuận lợi để phát triển du lịch. Đặc biệt có những công trình, văn hóa Chăm pa, Sa Huỳnh mang nét đặc trưng của Ấn Độ nên dễ dàng có sự giao thoa và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa”. Đồng quan điểm, ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam chia sẻ, chỉ có khoảng 200.000 lượt khách Ấn Độ đến Việt Nam ở thời điểm chưa có dịch Covid-19 là con số khiêm tốn, chưa khai thác được tiềm năng của hai nước, vì vậy cần có những thỏa thuận hợp tác để phát triển du lịch bền vững.
Cũng trong dịp này, từ ngày 18 đến 21-8, đoàn famtrip của Ấn Độ gồm đại diện khoảng 30 công ty lữ hành (chủ yếu đến từ thành phố New Delhi) đã khảo sát du lịch Khánh Hòa. Theo ông Phan Đình Thảo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH HTS International, đoàn famtrip Ấn Độ đánh giá rất cao tiềm năng hợp tác du lịch giữa Ấn Độ và Khánh Hòa, nhất là các sản phẩm du lịch tâm linh. Hiện tại, các đối tác lữ hành ở thành phố Kolkata (Ấn Độ) cũng mong muốn công ty tổ chức thêm chuyến famtrip để họ sang khảo sát du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa…
Bao nhiêu việc phải đồng thời làm
Ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa cho biết, muốn khai thác thị trường khách Ấn Độ cần phải có đường bay kết nối các thành phố lớn của Ấn Độ với Khánh Hòa, trước mắt có thể tổ chức các chuyến bay charter (thuê bao). Đồng thời, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nhân lực, điều chỉnh sản phẩm du lịch để phù hợp với thị trường khách Ấn.
Với kinh nghiệm đón khách Ấn Độ từ năm 2018 đến nay, ông Phan Đình Thảo cho rằng, Khánh Hòa nhất thiết phải có đường bay thẳng từ Ấn Độ đến Cam Ranh để tránh đội giá tour, bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá. “Khách Ấn Độ thường rất kỹ tính, dù có là bạn hàng lâu năm họ vẫn đi khảo giá nhiều nơi và so sánh tỉ mỉ trước khi đưa ra quyết định. Giá cả luôn là yếu tố đầu tiên mà người Ấn Độ quan tâm khi lựa chọn điểm đến. Đại diện một hãng lữ hành đã thẳng thắn nói với tôi rằng, Nha Trang không nổi tiếng bằng Bali (Indonesia), nhưng giá cả thì không hề rẻ hơn. Vì vậy, chúng ta cần phải đưa ra nhiều gói sản phẩm với giá cả khác nhau để họ lựa chọn”, ông Thảo chia sẻ.
Không chỉ vậy, thị trường khách Ấn Độ có những đặc thù nên các doanh nghiệp cần chuẩn bị trước tâm lý để không “nản lòng”. Khách Ấn thường rất hay tự do về thời gian và nhiều khi làm ảnh hưởng đến các dịch vụ liên quan, do đó cần dự trù thời gian nhiều hơn để đảm bảo lịch trình. Các đoàn khách của họ bao giờ cũng yêu cầu phải có đồ ăn Ấn Độ trong chương trình tour… Khi lưu trú các khách sạn cũng nên có sự phân bố hợp lý để tránh xung đột văn hóa với các khách từ các nước khác.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, không riêng gì Khánh Hòa mà nhiều địa phương cũng đã tiến hành đẩy mạnh xúc tiến thị trường khách du lịch Ấn Độ. Để khai thác tốt thị trường tỷ dân này phải cần thời gian, sự chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều giải pháp; trong đó có việc xúc tiến mở đường bay Cam Ranh đi Ấn Độ. Trước mắt, ngành du lịch Khánh Hòa sẽ nỗ lực liên kết với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (những thành phố đã có đường bay thẳng đến Ấn Độ) để đưa nguồn khách Ấn về địa phương.
XUÂN THÀNH