Với lợi thế núi non, sinh cảnh của khu vực Hòn Bà, xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang khuyến khích người dân phát triển loại hình vườn sinh thái du lịch.
Với lợi thế núi non, sinh cảnh của khu vực Hòn Bà, xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang khuyến khích người dân phát triển loại hình vườn sinh thái du lịch.
Những khu vườn sinh thái
Cách không xa tuyến đường lên Hòn Bà, ở độ cao vài chục mét, trang trại của vợ chồng ông Nguyễn Quý - Trần Thị Phương Thủy (thôn Suối Lau 2) còn rất hoang sơ. Ông Quý cho biết, khoảng những năm 2006 - 2007, vợ chồng ông mua hơn 7ha đất để làm rẫy, trồng xoài, kết hợp nuôi gà, cá, heo rừng lai… Trong một lần mời bạn bè đến chơi, đãi khách bằng những món ăn dân dã từ trang trại khiến bạn bè khen nức nở. Thế là thông qua bạn bè, người quen truyền miệng, trang trại của ông Quý liên tục đón khách cho đến nay. Để phục vụ khách tốt hơn, ông Quý đã nỗ lực “khoác áo mới” cho trang trại, làm thêm chòi đón khách, trồng hoa, rải đá trên lối đi, đào ao nuôi cá… Du khách đến chơi, thư giãn, hòa mình trong không khí núi rừng trong lành, yên tĩnh, thỏa thú vui câu cá giải trí hay nhâm nhi chén rượu với những món ngon trang trại làm ra. Ông Quý cho biết, doanh thu trang trại hàng năm đạt khoảng 500 triệu đồng. Trong diện tích 7ha, ông dành 1ha làm cảnh quan, ao cá, 3 - 4 căn chòi, quầy bar… Ông còn dành diện tích để thả nuôi hơn 200 con gà, 50 con heo… bảo đảm luôn có thực phẩm sạch phục vụ khách ăn uống. Vườn xoài rộng 6ha đã cho thu hoạch 50 tấn/năm…
Vườn sinh thái của ông Nguyễn Huy Chiến (thôn Tân Xương 2) khai trương mới đây đẹp như một khu du lịch với cái tên dễ thương: Nông ngư viên Thanh Thảo. Sở hữu 4ha đất, ông Chiến dành 1,2ha làm ao hồ, còn lại trồng xoài Úc. Ông Chiến cho biết, thế mạnh của vườn sinh thái là ao hồ. Toàn khu nổi bật với mặt nước, xung quanh là vườn cây xanh mát. Ao câu cá giải trí 5.000m2, ao sen 4.200m2, ao nuôi cá chép giòn bằng đậu tằm 800m2, ao cá Koi 100m2… Hiện nay, Nông ngư viên Thanh Thảo đã bắt đầu đón khách. Ông Chiến đang lên kế hoạch liên kết với các mô hình xung quanh (như hoa lan của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao, trang trại nuôi cá chình…) để hình thành tour thu hút khách.
Đề xuất phát triển trong vùng đệm
Theo lãnh đạo xã Suối Cát, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi, cải tạo rẫy sang vườn sinh thái du lịch, trồng cây lâu năm kết hợp dịch vụ để gia tăng thu nhập, thu hút du khách tham quan Hòn Bà. Hiện nay, toàn xã có 7 mô hình loại này, giải quyết 5 - 10 lao động/mô hình; thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm (chỉ tính riêng loại hình dịch vụ)…
Xã định hướng phát triển loại hình này dọc vùng đệm sông Suối Dầu, suối Đá Giăng…, nơi có sinh cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, gắn với núi non kỳ vĩ của Hòn Bà. Ông Lê Thành Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát đề xuất, khu vực này trước đây quy hoạch rừng sản xuất, nay xã đề nghị được chuyển sang trồng cây lâu năm. Bởi, rừng sản xuất chỉ trồng được bạch đàn, keo, khả năng giữ nước kém, hiệu quả không cao, thu nhập 70 - 80 triệu đồng/ha trong vòng 3 - 5 năm. Khi cây đốn hạ để lại khoảng trống rừng, vài năm sau mới hồi phục. Nên chăng, tỉnh nghiên cứu quy hoạch khu vực này sang trồng cây lâu năm, hiệu quả kinh tế cao hơn (trồng xoài thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha/năm) mà lại không lo khoảng trống giữ rừng, vì cây ăn quả hàng chục năm mới đốn bỏ nhưng lúc đó đã có cây khác thay thế. Hiện nay, khu vực này nằm trong vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, nơi có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thuộc khu vực thu hồi đưa vào quản lý nên việc phát triển loại hình này gặp khó khăn.
V.L