11:08, 14/08/2020

Nỗi lo mất lao động có tay nghề sau dịch Covid-19

Một trong những nỗi lo lớn của ngành Du lịch hiện nay là sẽ mất người lao động có tay nghề sau dịch Covid-19. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đề nghị Nhà nước cần có sự hỗ trợ để họ giữ chân người lao động trong giai đoạn này.

Một trong những nỗi lo lớn của ngành Du lịch hiện nay là sẽ mất người lao động (NLĐ) có tay nghề sau dịch Covid-19. Vì thế, nhiều doanh nghiệp (DN) đề nghị Nhà nước cần có sự hỗ trợ để họ giữ chân NLĐ trong giai đoạn này.


Người lao động không có việc làm


Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến các DN du lịch chồng chất khó khăn. Nhiều DN vừa mới gọi NLĐ đi làm trở lại đã phải đau đầu tính toán lại lịch làm việc để giữ chân NLĐ, một số đơn vị lại phải cho NLĐ nghỉ việc trở lại. “Xác định mùa du lịch hè chỉ còn tháng 7 và tháng 8 nên chúng tôi chỉ gọi một số nhân viên cũ đi làm theo hợp đồng ngắn hạn. Dịch Covid-19 quay trở lại, khách sạn không có khách, nên chúng tôi phải cho nhân viên làm việc luân phiên để giữ chân NLĐ”, ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa, Tổng quản lý khách sạn Ariyana chia sẻ.

 

Hầu hết hướng dẫn viên đang phải nghỉ việc vì không có khách du lịch.

Hầu hết hướng dẫn viên đang phải nghỉ việc vì không có khách du lịch.


Trước đó, dịch Covid-19 đợt 1 đã khiến nhiều NLĐ ngành Du lịch mất việc làm. Theo ước tính của Sở Du lịch, trong quý I, du lịch Khánh Hòa có khoảng hơn 17.000 NLĐ bị mất việc làm (toàn ngành có khoảng 56.000 NLĐ); trong đó khoảng 15.000 NLĐ khối lưu trú, 2.100 NLĐ khối lữ hành. Bước vào quý II, cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội, lượng lao động mất việc làm còn nhiều hơn. Khi thực hiện chương trình kích cầu du lịch, một số lao động nghỉ việc trong đợt dịch đầu năm đã quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, dịch bùng phát trở lại đã khiến khách du lịch hủy tour đồng loạt, các DN du lịch đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.


 Sự sụt giảm nguồn khách không chỉ đẩy các công ty lữ hành vào cảnh khốn đốn mà còn khiến các dịch vụ đi kèm như lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm... gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tình thế, các DN đang tìm cách điều tiết nhân sự, thực hiện chế độ làm việc gối đầu, luân phiên hay làm việc online, làm từ xa, khuyến khích nhân viên nghỉ phép. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay ở khối lưu trú, các khách sạn từ 3 - 5 sao đã cho 70% nhân viên nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt hợp đồng. Ở khối lữ hành, có 80 - 90% NLĐ tạm nghỉ việc ở nhà hoặc công ty chỉ giữ lại số ít nhân viên đi xử lý, giải quyết công nợ, tour tuyến cho khách hàng.


Cần có chính sách giữ người lao động

 

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng cục sẽ đề xuất với Chính phủ chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định các hoạt động về lâu dài như: Cho vay lãi suất ưu đãi để trả lương nhân viên; gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT; cho phép áp dụng chính sách giảm giá điện bán lẻ cho ngành sản xuất đối với các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền điện cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch được dùng để cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19 đến hết năm 2020…

Tại hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch, do Tổng cục Du lịch tổ chức mới đây, nhiều DN bày tỏ nỗi lo về chảy máu nhân lực. “Hiện rất nhiều hướng dẫn viên, người làm trong ngành Du lịch có tay nghề, kinh nghiệm nhiều năm nhưng do công ty cắt giảm nhân sự, tạm ngừng hoạt động đã phải chuyển nghề, chạy xe công nghệ, bán hàng online… Nguy cơ khi dịch được kiểm soát tốt, ngành Du lịch khôi phục lại sẽ khó có đủ nguồn nhân lực để đáp ứng”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Vietravel bày tỏ. Tại hội nghị, các DN đề xuất trong trường hợp dịch còn kéo dài, Nhà nước cần lưu ý nhóm giải pháp đào tạo và tái cơ cấu ngành, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực du lịch để có đội ngũ nhân sự tốt, có thể hoạt động ngay khi du lịch khôi phục trở lại.


Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Đức - Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa cho biết, các DN lữ hành đa phần là DN nhỏ, nguồn tài chính có hạn. Hai đợt dịch đã khiến các DN lữ hành gần như kiệt quệ. Trong bối cảnh khó khăn về thanh khoản và dòng tiền do dịch, Tổng cục Du lịch nên tạo điều kiện cho phép DN vay lại khoản tiền ký quỹ để đơn vị có dòng tiền góp phần trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động. “Theo quy định, DN khai thác tour nội địa sẽ phải ký quỹ 100 triệu đồng; DN khai thác tour nước ngoài, đón khách quốc tế đến Việt Nam ký quỹ 500 triệu đồng. Đa phần công ty lữ hành đều là công ty nhỏ nên nếu được vay lại khoản tiền này các đơn vị lữ hành cũng cầm cự được một thời gian”, ông Đức nói. Cũng đề cập đến việc hỗ trợ cho NLĐ, ông Lê Quang Lịch - Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn viên Khánh Hòa đề nghị, cần có gói hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch vì hiện nay 80 - 90% nguồn nhân lực này đang phải nghỉ làm bởi dịch bệnh.


XUÂN THÀNH