11:07, 31/07/2019

Để Điệp Sơn thêm xanh

Những người làm du lịch ở Hòn Ó, Hòn Quạ (thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) luôn tâm niệm chỉ có giữ được vẻ đẹp hoang sơ, môi trường trong sạch ở những hòn đảo thì mới níu được chân du khách.

 

Những người làm du lịch ở Hòn Ó, Hòn Quạ (thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) luôn tâm niệm chỉ có giữ được vẻ đẹp hoang sơ, môi trường trong sạch ở những hòn đảo thì mới níu được chân du khách.


Giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ


Cuối tuần, tôi cùng nhóm bạn từ Hà Nội vào đi du lịch Điệp Sơn. Bạn muốn đến con đường giữa biển ở đảo Phật nằm. Chở chúng tôi đi vòng quanh Hòn Ó, Hòn Quạ trên chiếc cano cao tốc, bà Đào Thị Long - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư du lịch Nha Trang Đông Đô, người gắn bó với Điệp Sơn từ những ngày đầu làm du lịch tự hào khoe, toàn bộ cây xanh trên đảo được giữ nguyên, anh em chỉ cải tạo bờ biển ven đảo cho du khách tham quan. “Để có được màu xanh của đảo như ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực. Những ngày đầu (năm 2016) ra Điệp Sơn làm du lịch, nơi đây tràn ngập rác thải. Chúng tôi phải thuê trung bình 30 nhân công một ngày để dọn rác quanh đảo. Phải mất 3 tháng, rác thải mới được thu gom hết và chở bằng ghe về đất liền. Từ đó đến nay đã hơn 3 năm, mỗi ngày có ít nhất 3 nhân công thường xuyên đi quanh đảo thu gom rác thải trôi dạt vào để bảo đảm các hòn đảo luôn sạch đẹp”, bà Long chia sẻ.

 

Con đường giữa biển tại đảo Phật nằm (Điệp Sơn, Vạn Thạnh).

Con đường giữa biển tại đảo Phật nằm (Điệp Sơn, Vạn Thạnh).


Hòn Ó, Hòn Quạ xanh mướt hòa quyện với màu xanh của nước biển tạo thành một bức tranh thủy mặc hữu tình, thơ mộng. Bước chân lên đảo, điều dễ nhận thấy là cứ đi một quãng lại có một giỏ đựng rác bằng tre. Ông Đại Anh (Công ty TNHH Đầu tư du lịch Nha Trang Đông Đô) cho biết, du khách trước khi lên cano để đi đảo đều được khuyến cáo không dùng nước chai nhựa mang ra đảo. Với phương châm nói không với rác thải nhựa, đơn vị đã chuẩn bị sẵn nước bình mang từ bờ ra đảo phục vụ miễn phí du khách. Để hạn chế rác thải nhựa, tạo môi trường trong sạch, đơn vị hạn chế bán nước ngọt bằng chai nhựa cho khách.


Cùng với việc dọn rác giúp đảo luôn sạch, những người làm du lịch ở Hòn Ó, Hòn Quạ còn tạo các chòi nhỏ cho khách nghỉ ngơi sau khi tắm biển. Bà Long luôn tâm niệm phải giữ được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên thì mới níu giữ được du khách. Vì vậy, ngay từ đầu, để dựng các chòi, không gian nghỉ ngơi cho khách, bà đã chọn những vật liệu thân thiện với môi trường là gỗ, tre, mái lá, hạn chế sử dụng vật liệu bê tông cốt thép.


Bà Hoàng Thị Bé Tâm (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, bà đã đi du lịch nhiều nơi nhưng thấy thích cách làm du lịch nơi đây. Đi vòng quanh khắp đảo luôn thấy bờ biển, đảo được giữ sạch sẽ, trong xanh. Môi trường, không khí đều trong lành, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.


Vẫn còn trăn trở

 

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn - Trưởng thôn Điệp Sơn: Khoảng mấy tháng nay, ngay sát miếu Thần (người dân thờ cúng vị thần phù hộ cho cư dân trên đảo) có một nhóm người tới phát dọn làm nhà hàng “Điệp Sơn Xanh”, đón khách tổ chức các hoạt động du lịch gây ồn ào, phản cảm. Người dân trên đảo phản ứng dữ dội. Tôi đã báo cáo lãnh đạo xã Vạn Thạnh để sớm có hướng giải quyết.

Theo bà Long, thời gian qua, tình trạng chèo kéo du khách đi đảo Điệp Sơn lại tiếp diễn. Chỉ có 2 doanh nghiệp được phép thuê đất và chở khách ra đảo, nhưng hiện nay có thêm 2 cá nhân thường xuyên chèo kéo khách đi đảo ngay tại bến tàu Vạn Giã. Điều này ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch của Điệp Sơn.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Công ty TNHH Đầu tư du lịch Nha Trang Đông Đô và Công ty Sơn Nam, còn có 2 cá nhân cũng chở khách ra đảo và tổ chức hoạt động vui chơi, ăn uống là nhóm của ông Thái và ông Bảy. Đáng nói, các nhóm này còn tự in vé sai quy định để tạo niềm tin cho khách; quảng cáo “sẽ đưa khách ra con đường giữa biển”, nhưng thực tế không phải vậy. Chị Thu Hằng (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) bức xúc: “Khi chúng tôi đến cảng Vạn Giã, một nhóm người chèo kéo giới thiệu chúng tôi là sẽ chở đi con đường giữa biển ở đảo Phật nằm với giá vé cano khứ hồi là 200.000 đồng. Do không rành nên chúng tôi đồng ý, nhưng khi chở ra đến nơi thì ở đó rất hoang vắng, cũng chẳng có con đường giữa biển nào. Họ bảo chúng tôi là con đường đã bị bão cuốn, bây giờ chỉ còn con đường dưới biển ngập sâu tới bụng, không đi nổi. Cách làm du lịch như vậy hoàn toàn không thể chấp nhận được, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý”.


In vé lậu trốn thuế, quảng cáo không đúng sự thật, trắng trợn lừa du khách là những gì đang diễn ra ở một bộ phận người làm du lịch chui ở Điệp Sơn. “Mỗi vé đi đảo, chúng tôi phải đóng 10% thuế (tức 20.000 đồng/vé). Không chỉ vậy, hiện giờ chỉ có Hòn Ó, Hòn Quạ - phần diện tích đất của công ty được Nhà nước cho thuê là có con đường dưới biển. Thế nhưng, những nhóm người làm du lịch chui lại lừa khách, gây ra những hệ lụy xấu, tai tiếng cho du lịch Điệp Sơn”, bà Long nói.


Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, về tình trạng chèo kéo khách du lịch đi đảo Điệp Sơn và làm du lịch chui, lừa dối khách, huyện sẽ cho cán bộ kiểm tra thông tin. Nếu đúng có tình trạng này sẽ xử lý nghiêm, không dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.


THÀNH NAM