Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài "Phát triển nguồn nhân lực du lịch Khánh Hòa trong bối cảnh hội nhập quốc tế". Đây sẽ là cơ sở khoa học để tỉnh có các chính sách, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Khánh Hòa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Đây sẽ là cơ sở khoa học để tỉnh có các chính sách, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nhân lực còn hạn chế
Theo TS. Lê Chí Công - Trường Đại học Nha Trang, chủ nhiệm đề tài, thời gian qua, du lịch Khánh Hòa đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ và tạo việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch còn nhiều hạn chế; đặc biệt là sự thiếu hụt lao động có tay nghề chuyên môn, năng lực quản lý trong ngành. Một trong những thách thức cơ bản cho việc phát triển nhanh và bền vững của ngành Du lịch Khánh Hòa trong bối cảnh hội nhập quốc tế đó là, không chỉ chú trọng xây dựng các giải pháp nhằm tăng trưởng lượng khách, doanh thu mà còn phải chú trọng đầu tư chiều sâu vào yếu tố con người.
Hiện nay, tỉnh cần một lượng lớn lao động trực tiếp và gián tiếp, nhưng năng lực cung ứng của các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được cả về mặt số lượng và chất lượng. Hoạt động du lịch đang thu hút khoảng 55.000 lao động, trong đó có 18.450 lao động trực tiếp. Thực tế, nguồn lực này chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Bởi, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 750 cơ sở lưu trú với hơn 43.000 phòng và khoảng 227 doanh nghiệp lữ hành hoạt động, chưa kể các nhà hàng, khu vui chơi giải trí... Mỗi năm, ngành Du lịch tỉnh cần khoảng 10.600 lao động, trong đó có khoảng 3.600 lao động trực tiếp. Tuy nhiên hàng năm, 4 trường đại học và 7 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm trên địa bàn tỉnh chỉ cung cấp được khoảng 5.000 sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo về du lịch.
Bên cạnh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa được đảm bảo. Kết quả điều tra cho thấy, số lượng đào tạo trái ngành vẫn còn khá nhiều, chiếm 17,3%. Một lượng lớn lao động đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch được đào tạo từ nhiều cơ sở khác nhau không chuyên về du lịch…
Đề xuất nhiều giải pháp
Qua kết quả điều tra thực tế, đề tài đã đưa ra dự báo nhu cầu lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Cụ thể, tổng số nhân lực mà tỉnh cần đến năm 2020 khoảng 70.700 lao động và đến năm 2030 khoảng 120.000 lao động, trong đó lao động hiện có hơn 55.000 lao động. Như vậy, từ nay đến năm 2030, tỉnh cần tuyển mới khoảng 70.000 lao động. Và với mức cung ứng từ các trường đào tạo chỉ khoảng 5.000 lao động/năm, rõ ràng là không thể đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đây là một thách thức cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch tỉnh. Do đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh. Đó là, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực du lịch; đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch cho các cơ sở đào tạo; huy động nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực; tăng cường liên kết quốc tế trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Theo đó, UBND tỉnh cần tạo cầu nối để gia tăng sự liên kết của ba nhà (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp (DN)) trong đào tạo và sử dụng nhân lực tại địa phương; thường xuyên tổ chức các hội thảo, tư vấn nghề nghiệp, trao đổi thông tin giữa DN du lịch với tư cách là người sử dụng sản phẩm và cơ sở đào tạo với tư cách người tạo ra sản phẩm và Nhà nước với vai trò là cầu nối; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch hiện nay; có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo phát triển các chương trình đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao. Các cơ sở đào tạo rà soát và quy hoạch lại đội ngũ theo hướng đào tạo đúng ngành, đúng nghề, cán bộ giảng dạy vững vàng chuyên môn về du lịch; chủ động tích hợp nội dung tham gia của các DN trong chương trình đào tạo; rà soát bổ sung, hiệu chỉnh chương trình đào tạo hiện tại nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN du lịch chủ động kế hoạch hỗ trợ sinh viên tham gia thực hành, thực tập; phối hợp với DN phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn. Bên cạnh đó, các DN cần chủ động công bố thông tin về nhu cầu nhân lực của DN, chủ động liên hệ với nhà trường nhằm tạo điều kiện cho nhà trường có định hướng tuyển sinh, đào tạo phù hợp thực tế…
KHÁNH HÀ