11:01, 24/01/2019

Sập cầu, du lịch Bình Lập đìu hiu

Mùa cao điểm, mỗi ngày bán đảo Bình Lập đón hàng nghìn khách du lịch đến tham quan, lưu trú. Tuy nhiên, từ khi cơn bão cuối tháng 11-2018 đánh sập cây cầu duy nhất dẫn từ đất liền ra bán đảo này, không khí du lịch ở đây trở nên trầm lắng, đìu hiu vì khách hủy tour.

Mùa cao điểm, mỗi ngày bán đảo Bình Lập đón hàng nghìn khách du lịch đến tham quan, lưu trú. Tuy nhiên, từ khi cơn bão cuối tháng 11-2018 đánh sập cây cầu duy nhất dẫn từ đất liền ra bán đảo này, không khí du lịch ở đây trở nên trầm lắng, đìu hiu vì khách hủy tour.


Các khu du lịch cầm cự


Bán đảo Bình Lập thuộc xã Cam Lập (TP. Cam Ranh) là nơi hiếm hoi còn giữ lại vẻ đẹp hoang sơ, hấp dẫn du khách. Khoảng 5 năm trước, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng du lịch tại khu vực này nên đã về đây xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng… Hai năm nay, du lịch Bình Lập trở nên nhộn nhịp, được nhiều du khách trong nước quan tâm, đem lại nguồn thu đáng kể cho TP. Cam Ranh.

 

Đoạn cầu và đường đi vào Bình Lập bị lũ đánh sập từ tháng 11-2018.

Đoạn cầu và đường đi vào Bình Lập bị lũ đánh sập từ tháng 11-2018.


Ông Nguyễn Quốc Bảo - Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin TP. Cam Ranh đánh giá, Bình Lập có bờ biển hình vòng cung, điểm cuối của vòng cung Bãi Ngang là một bãi đá rất đẹp, nước trong xanh thấy tận đáy. Hai năm nay, du khách tới Bình Lập khá đông. Những khu du lịch nổi tiếng như: Ngọc Sương, Sao Biển… đều được du khách đến check-in, đánh giá khá cao. Tuy nhiên, sau khi cầu và đường nối thôn Nước Ngọt và thôn Bình Lập bị nước lũ cuốn trôi, du khách đến đây giảm hẳn.


Theo ông Nguyễn Phước Thành - Giám đốc Khu du lịch Sao Biển, vào mùa cao điểm, mỗi ngày bán đảo Bình Lập đón từ 2.000 đến 3.000 du khách đến tham quan, trong đó riêng Khu du lịch Sao Biển đón khoảng 1.500 du khách. Tuy nhiên, từ cuối tháng 11-2018 đến nay, mỗi ngày chỉ có vài khách đi xe máy đến tham quan. “Sau khi đường độc đạo bị chia cắt, các tour đều hủy hợp đồng, khách lẻ cũng không tới. Nhiều gia đình đi xe ô tô riêng đến thấy cầu sập thì quay về. Không ai dám mạo hiểm gửi xe lại đi đò qua rồi lại đón xe trung chuyển về khu du lịch cả. Thời gian này năm trước, chúng tôi đón khách khá nhộn nhịp, còn năm nay thì đang cầm cự nuôi nhân viên”, ông Thành chia sẻ.


Ông Đoàn Ngọc Lãm - Giám đốc khách sạn Đảo Hoa Vàng cũng cho biết, việc sập cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình du lịch tại Bình Lập. Lượng khách tới lưu trú tại khách sạn giảm khoảng 80%. Doanh nghiệp cũng phải tốn chi phí bố trí xe trung chuyển tại vị trí chia cắt để khuyến khích du khách tới du lịch nhưng vẫn không mấy ai chấp nhận đi đò qua sông.


Theo ông Bảo, dự kiến dịp Festival Biển 2019, các khu du lịch tại Bình Lập đăng ký làm gian hàng du lịch để quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh tại đây. Tuy nhiên, sau khi cầu sập, các doanh nghiệp đã rút lại ý tưởng bởi không biết chính xác khi nào cầu kiên cố mới được xây.


Vừa xây cầu tạm vừa đi bè


Theo ông Nguyễn Văn Kết - Chủ tịch UBND xã Cam Lập, mưa lũ gây sập cầu không chỉ ảnh hưởng đến hơn 300 hộ ở bán đảo Bình Lập, mà còn gây khó khăn cho nhiều hộ ở các thôn khác trong đất liền nhưng có ao đìa nuôi trồng thủy sản ở Bình Lập. Tại thôn Bình Lập hiện có 2 điểm trường cấp I và cấp II của xã Cam Lập, giáo viên chủ yếu từ TP. Cam Ranh qua dạy nên việc đi lại cũng vất vả. Một số khu du lịch trên bán đảo Bình Lập cũng gặp khó vì đường đi bị chia cắt.


Sau mưa lũ, một số người dân địa phương đã đóng bè tạm được ghép lại từ những thùng phuy và ván gỗ để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình và bà con. Để bè qua lại sông, người ta căng dây thừng cố định vào các gốc cây hoặc tảng đá lớn hai bên bờ sông. Sau đó, người lái bè dùng tay men theo sợi dây kéo qua bờ bên kia. Vào giờ cao điểm (sáng, trưa, chiều), chiếc bè lớn rộng khoảng 40m2 có thể chở được tối đa gần chục người/chuyến; chiếc nhỏ khoảng 20m2 thì chở khoảng 4 - 5 người/chuyến. Ông Phạm Đức Huy, chủ bè cho biết: “Nhà tôi ở thôn Nước Ngọt, tức là bên đất liền, nhưng lại có đìa nuôi tôm bên Bình Lập. Sau mưa bão, cầu sập, gia đình tôi và một số hộ muốn qua nuôi tôm nhưng không biết đi bằng cách nào nên đóng bè. Mới đầu chỉ để qua lại cho tôm ăn, nhưng những ngày sau thấy nhu cầu đi lại lớn nên chúng tôi bố trí người ở bè để đưa bà con qua sông”. Được biết, hiện nay người già, trẻ em, giáo viên, học sinh được qua sông miễn phí. Những người khác thì trả công 5.000 đồng/lượt, xe máy 10.000 đồng/lượt. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người qua sông bằng bè.


Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, sau khi cầu sập, thành phố cũng đã đưa vào hoạt động tuyến đò từ cảng Cam Ranh qua bán đảo Bình Lập để phục vụ người dân đi lại. Tuy nhiên, nhiều hộ đi lại từ Bình Lập qua thôn Nước Ngọt thì qua sông tại vị trí cũ (vị trí cầu bị sập) gần hơn nên chọn cách đi bằng bè tạm. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân phải thận trọng khi qua sông bằng bè để đảm bảo an toàn.


Để giải quyết nhu cầu trước mắt cho người dân, UBND TP. Cam Ranh đã đầu tư 1,5 tỷ đồng để xây dựng đường tạm cách vị trí người dân đang đi bè khoảng 100m. Hiện đường này đã làm gần xong, nhưng chỉ đáp ứng được lưu thông cho người đi xe máy và đi bộ. Ông Kết kiến nghị UBND tỉnh cần sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu kiên cố, bởi để lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến du lịch Bình Lập.


VĂN KỲ