Du lịch Khánh Hòa đang phát triển rất sôi động. Thế nhưng, nhiều dự án du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang chậm tiến độ, trong đó có những dự án chậm gần chục năm, cá biệt như dự án Vavisal (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) chậm hơn 20 năm…
Du lịch Khánh Hòa đang phát triển rất sôi động. Thế nhưng, nhiều dự án du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang chậm tiến độ, trong đó có những dự án chậm gần chục năm, cá biệt như dự án Vavisal (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) chậm hơn 20 năm… Đây là một sự lãng phí về tài nguyên du lịch.
Nhiều dự án “rùa”
Mới đây, đoàn khảo sát của HĐND tỉnh đã khảo sát thực tế một số dự án du lịch chậm tiến độ. Điểm đến đầu tiên là Khu du lịch (KDL) suối khoáng nóng Trường Xuân (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ sản xuất chế biến thực phẩm Thành Công (TP. Hồ Chí Minh, viết tắt là Công ty Thành Công) làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích đất 48ha, tổng vốn đầu tư 33 tỷ đồng, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 10-2009; tháng 6-2010 được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đến nay, sau gần 9 năm triển khai, dự án vẫn còn nằm trên giấy. Trên khu đất dự án chỉ có một con đường vừa được rải đá dăm, một căn nhà tạm và vài chòi gỗ được dựng lên chưa lợp mái… Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và các đơn vị liên quan, đến nay, chủ đầu tư mới chỉ thực hiện xong giải phóng mặt bằng 98%; chưa hoàn thành các thủ tục xin giao đất, thuê đất, cấp phép xây dựng. Nhà đầu tư cũng chưa thực hiện thủ tục xin phép khai thác khoáng sản (nước khoáng thiên nhiên) tại mỏ nước khoáng ở khu vực này.
Dự án KDL Ba Hồ (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) cũng do Công ty Thành Công làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ không kém. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 10-2008 với mục tiêu xây dựng KDL sinh thái với diện tích 42ha, tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng. Năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đến tháng 12-2009, Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng cho giai đoạn 1 của dự án với 10 hạng mục công trình. Tuy nhiên, thời gian sau đó, chủ đầu tư không tích cực triển khai dự án nên đã bị Sở KH-ĐT xử phạt 30 triệu đồng vì thực hiện chậm tiến độ. Tháng 9-2017, UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư thực hiện ký quỹ theo quy định hiện hành và khẩn trương tiến hành triển khai dự án. Nhà đầu tư đã cam kết đến tháng 9-2018 sẽ thực hiện xong các hạng mục, đưa dự án vào khai thác. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới chỉ thi công được phần thô của 12 căn bungalow, nhà hàng, hồ bơi; cầu vượt suối số 1 và số 2 nhưng đã bị cuốn trôi; đường nội bộ… Hiện tại, nhà đầu tư đang tập trung sửa chữa lại các bungalow đã được xây dựng, thi công 2 cống thoát lũ.
Cũng trên địa bàn Ninh Hòa, dự án KDL sinh thái Gia Hân (Bãi Túc, thuộc địa bàn 2 xã Ninh Phú và Ninh Vân) với diện tích gần 35,7ha, trong đó có gần 22,5ha đất liền, 13,2ha mặt nước, tổng vốn đầu tư khoảng 555 tỷ đồng cũng chậm tiến độ khá lâu. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 3 vào năm 2014 (cấp lần đầu năm 2007); đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tháng 2-2015 (điều chỉnh năm 2016). Đến nay, dự án mới chỉ xây dựng phần thô 25 căn biệt thự, cỏ dại mọc um tùm; giá trị khối lượng thực hiện được chỉ đạt hơn 37 tỷ đồng (bằng 18,7% so với vốn đầu tư giai đoạn 1; bằng 6,6% so với tổng vốn dự án). Sở KH-ĐT đã 2 lần xử phạt nhà đầu tư vì chậm tiến độ.
Các nhà đầu tư lại... hứa
Theo quy định, chậm nhất sau 12 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải hoàn thành thủ tục để được cấp giấy phép xây dựng, thời gian thi công công trình là 2 năm kể từ khi cấp giấy phép xây dựng. Như vậy, tiến độ thực hiện dự án KDL suối khoáng nóng Trường Xuân và KDL Ba Hồ của Công ty Thành Công đã chậm hơn so với giấy chứng nhận đầu tư khoảng 6 năm. Làm việc với đoàn khảo sát HĐND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - đại diện nhà đầu tư giải thích, tiến độ 2 dự án chậm là do công ty thực hiện chia tách. Hiện nay, công ty đã ký hợp đồng với các nhà thầu để thực hiện các hạng mục còn lại như: nhà đón tiếp, các căn bungalow… nhằm sớm đưa dự án KDL Ba Hồ vào khai thác. Đồng thời, công ty cũng sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan để sớm triển khai dự án KDL suối khoáng nóng Trường Xuân.
Giữ kỷ lục về chậm tiến độ là dự án khách sạn Vavisal (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh). Dự án được UBND huyện Vạn Ninh và Xí nghiệp Liên hiệp trục vớt cứu hộ (TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư từ năm 1988. Đến năm 1989, do hết vốn nên dự án tạm ngừng thi công. Năm 1994, dự án được chuyển nhượng cho một nhóm nhà đầu tư do ông Nguyễn Thanh Tùng (nhạc sĩ Thanh Tùng) đứng đầu. Năm 1995, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư này với diện tích 10.870m2, trong đó có 8.070m2 dùng để xây dựng khách sạn. Tuy nhiên, từ đó đến nay các nhà đầu tư không triển khai dự án. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã nhiều lần đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án, đại diện các nhà đầu tư nhiều lần hứa hẹn nhưng không thực hiện. |
Ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị nhà đầu tư cần sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án KDL suối khoáng nóng Trường Xuân, sớm hoàn thành các hạng mục công trình đã được cấp phép ở giai đoạn 1, đồng thời nhanh chóng thực hiện các thủ tục của dự án KDL Ba Hồ. Nhà đầu tư phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước; phải thực hiện đúng tiến độ đã cam kết chứ không phải cứ hứa lèo cho qua chuyện.
Liên quan đến tiến độ dự án KDL sinh thái Gia Hân, ông Hà Văn An - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gia Hân thừa nhận, tiến độ dự án chậm một phần do trước đây công ty dồn lực cho một số dự án khác. Bên cạnh đó, do địa hình đồi núi, khi thi công thực tế có nhiều sự khác biệt so với khảo sát ban đầu nên ảnh hưởng đến tiến độ. Cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã làm cầu cảng, thiết bị, vật tư bị hư hỏng nặng. “Trong tuần tới, chúng tôi sẽ có báo cáo và cam kết tiến độ dự án với UBND tỉnh. Hiện nay, công ty đã mời tập đoàn Accor tham gia quản lý dự án. Thời gian tới, công ty sẽ dồn lực để thực hiện dự án này”, ông An hứa hẹn.
Ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư dự án phải có báo cáo về tiến độ dự án cũng như những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ, cam kết với UBND tỉnh dồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án. “Các dự án du lịch chậm tiến độ là một sự lãng phí về tài nguyên du lịch. Từ sự khảo sát thực tế, HĐND tỉnh sẽ có ý kiến với UBND tỉnh trong phiên họp vào ngày 18-9”, ông Lê Xuân Thân cho biết.
XUÂN THÀNH