11:09, 14/09/2018

Kết nối du lịch Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận

Ngày 14-9, tại TP. Nha Trang, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức tọa đàm "Phát triển sản phẩm du lịch Duyên hải miền Trung"

Ngày 14-9, tại TP. Nha Trang, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch Duyên hải miền Trung”. Theo các đại biểu, du lịch khu vực miền Trung cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quản lý điểm đến nhằm đem lại sự hài lòng cho du khách. 
 
 
Khách du lịch tham quan đồi cỏ hồng ở Bình Ba.

Khách du lịch tham quan đồi cỏ hồng ở Bình Ba.

 
 
Nhiều tiềm năng du lịch
 
 
Trước đó, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn famtrip khảo sát các điểm du lịch tại 3 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa với sự tham gia của khoảng 50 đơn vị lữ hành trong cả nước. Trong gần 1 tuần lễ, đoàn đã  khảo sát các điểm đến như: Trường Dục Thanh - Tháp cổ Poshanư, Mũi Né - Hòn Rơm, Sea Link City và lâu đài rượu vang RD, Bàu Trắng, biển Cổ Thạch, bãi đá Bảy Màu, chùa Hang (Bình Thuận); làng gốm Bàu Trúc, bãi biển Cà Ná, làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, Mũi Dinh, Khu du lịch Tanyoli, vườn nho Ba Mọi, tháp Pô Klong GiaRai, vịnh Vĩnh Hy, vườn quốc gia Núi Chúa, hang Rái (Ninh Thuận); cụm du lịch sinh thái biển đảo Bình Hưng - Bình Ba - Bình Lập, Khu du lịch sinh thái hồ Kênh Hạ - mật khu Đá Hang, khu lưu niệm tàu không số C235, bãi biển Dốc Lết (Khánh Hòa). 
 
 
Bà Phạm Lê Thảo - Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tập trung nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp của đất nước, rất hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, có thể kết nối và có sức lan tỏa rộng khắp cả nước. Việc tổ chức đoàn khảo sát phát triển sản phẩm du lịch khu vực này nhằm khai thác triệt để lợi thế về địa lý, tiềm năng, đẩy mạnh liên kết và phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh trong nước và khu vực”.
 
 
Tại buổi tọa đàm, đại diện các đơn vị lữ hành đánh giá rất cao tiềm năng du lịch của Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Cả 3 tỉnh đều có nhiều bãi biển đẹp, di tích lịch sử văn hóa đặc trưng (đặc biệt là văn hóa Champa), lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống. “Những cánh đồng nho, đồi cát, bãi biển Ninh Thuận rất đẹp. Các bãi biển ở Bình Ba, Bình Lập của Cam Ranh, Khánh Hòa cũng rất tuyệt vời. Nếu biết cách tổ chức dịch vụ thì sẽ thu hút được khách du lịch…”, đại diện Trung tâm Dịch vụ du lịch OSC Vietnam (OSC Việt Nam Travel Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá.
 
 
Đại diện các công ty lữ hành kiến nghị, ngành Du lịch các địa phương này cần quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Hiện nay, du lịch giữa các tỉnh chưa có sự liên kết chiều sâu, ít sản phẩm mang tính đặc trưng; chất lượng dịch vụ nhiều nơi chưa cao. “3 tỉnh cần thiết lập chặt chẽ trong công tác xây dựng, kết nối tour, tuyến du lịch và quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng thêm các điểm dừng chân có chất lượng, tạo sự thoải mái cho du khách”, bà Trần Thảo - Trưởng phòng phụ trách sản phẩm du lịch Vietravel (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ.
 
 
Cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ 
 
 
Đại diện các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến về việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch ở Khánh Hòa. Ông Lê Hòa Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Hi Travel TP. Hồ Chí Minh mong muốn, các sản phẩm du lịch ở 3 tỉnh phải có sự khác biệt, nâng cấp dịch vụ đã có, khai thác được túi tiền của du khách. “Cần nâng cấp đội tàu đưa khách tham quan các tour biển đảo ở Nha Trang sao cho đẹp hơn, nhanh hơn, tránh dồn ứ du khách ở cảng Cầu Đá như hiện nay. Nha Trang đã phát triển rất tốt về lưu trú, nhưng cần thêm các dịch vụ giải trí về đêm để giữ chân khách, buộc khách phải chi tiền. Tôi thấy ở đảo Boracay (Philippines) về đêm, bãi biển biến thành một quầy bar trải dài, Nha Trang có thể tổ chức được các tiệc đêm trên bãi biển không?”, ông Hiệp đặt câu hỏi.
 
 
Về vấn đề sản phẩm du lịch, bà Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc Sale & Maketing Tập đoàn Ciao bày tỏ: “Khách tàu biển đến Nha Trang chỉ có khoảng 6 giờ để tham quan thành phố. Hiện nay, sản phẩm cho khách du lịch tàu biển chất lượng chưa cao. Chúng tôi rất mong Nha Trang sẽ xây dựng được sản phẩm chất lượng”. Ông Nguyễn Quang Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictour (đơn vị thường đón khách tàu biển ở Nha Trang) cũng cho rằng, các tour đón khách du lịch tàu biển ở Nha Trang khá phong phú, từ city tour cho đến tour du lịch đồng quê. Hơn ai hết, những người làm du lịch ở Nha Trang luôn mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm để đón khách du lịch tàu biển. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có thời gian và sự chung tay của nhiều đơn vị. 
 
 
Nhiều đơn vị lữ hành cũng cho rằng, do lượng khách Trung Quốc quá lớn nên thời gian qua, việc đặt phòng khách sạn ở Nha Trang rất khó khăn. Nếu ngành Du lịch Khánh Hòa không có giải pháp điều chỉnh, về lâu dài sẽ mất luôn cả khách nội địa cũng như các nguồn khách quốc tế khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, Khánh Hòa có hơn 31.600 phòng khách sạn, đủ cơ số phòng để đón khách. Hiệp hội đã vận động các khách sạn để dành phòng đón khách nội địa cũng như các nguồn khách khác (ngoài khách Trung Quốc, Nga). Các công ty nên có kế hoạch đặt phòng sớm hơn khi đến du lịch ở Khánh Hòa”. Đại diện một số doanh nghiệp du lịch ở Nha Trang cũng khẳng định, Nha Trang không thiếu phòng, vấn đề là do các công ty lữ hành chưa tìm đúng địa chỉ hoặc do gặp khó một lần nên có tâm lý e ngại.
 
 
Kết luận buổi tọa đàm, bà Phạm Lê Thảo đề nghị: ngành Du lịch Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận cần quản lý điểm đến tốt hơn nữa để đem lại sự hài lòng cho du khách, đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, ngành Du lịch 3 tỉnh cần tăng cường liên kết, tìm giải pháp đẩy du lịch Ninh Thuận phát triển nhanh hơn nữa để giảm tải cho du lịch Nha Trang và Phan Thiết. 
 
 
THÀNH NGUYỄN