10:01, 19/01/2018

Du lịch tăng trưởng nóng - Mừng hay lo?

Năm 2017, Khánh Hòa đón lượng khách du lịch nước ngoài với số lượng lớn, tốc độ tăng trưởng kỷ lục. Đi kèm với đó, đã có rất nhiều vi phạm trong lĩnh vực du lịch…

Năm 2017, Khánh Hòa đón lượng khách du lịch nước ngoài với số lượng lớn, tốc độ tăng trưởng kỷ lục. Đi kèm với đó, đã có rất nhiều vi phạm trong lĩnh vực du lịch…


Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm pháp luật


Năm 2017, toàn tỉnh đón gần 5,5 triệu lượt khách, riêng khách quốc tế ước đạt hơn 2 triệu lượt, tăng trưởng gần 70% so với năm 2016. Trong đó, khách Trung Quốc tăng đến 130%, đạt hơn 1,1 triệu lượt khách; khách Nga đạt hơn 400.000 lượt, tăng hơn 70%. Lượng khách tăng nhanh, ngành Du lịch phát triển nóng nên đã bộc lộ nhiều bất cập, buộc các cơ quan chức năng vào cuộc để chấn chỉnh. Năm 2017, tổng số tiền xử phạt các cá nhân, doanh nghiệp (DN) vi phạm lên đến gần 1 tỷ đồng.

 

Một cơ sở bán hàng vừa bị tỉnh xử phạt về vi phạm hành chính.

Một cơ sở bán hàng vừa bị tỉnh xử phạt về vi phạm hành chính.


Cụ thể, ngành Du lịch đã tổ chức kiểm tra 14 đợt, gồm 96 DN kinh doanh lữ hành, dịch vụ lưu trú du lịch. Qua đó, xử phạt hành chính 15 trường hợp, với số tiền gần 150 triệu đồng; chuyển cơ quan công an xử lý 2 lao động nước ngoài, xử phạt 40 triệu đồng; chuyển Cục Thuế tỉnh 1 DN, xử phạt, truy thu thuế với số tiền gần 170 triệu đồng. Công an tỉnh đã kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính 24 trường hợp người nước ngoài với số tiền gần 200 triệu đồng, với các vi phạm chủ yếu: hoạt động hành nghề không phép, khai không đúng sự thật để được cấp thị thực Việt Nam. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra nhiều cơ sở, qua đó phát hiện, tịch thu nhiều mặt hàng nhập lậu…


Đặc biệt, Đoàn kiểm tra liên ngành về các hoạt động kinh doanh du lịch phục vụ khách du lịch quốc tế trên địa bàn TP. Nha Trang đã tiến hành kiểm tra 26 cơ sở kinh doanh. Về cơ bản, các cơ sở này đã chấp hành các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một vài cơ sở đoàn kiểm tra đã nhắc nhở sửa chữa biển hiệu theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bổ sung tên tiếng Việt vào các sản phẩm quảng cáo trưng bày trong cửa hàng. Ông Đinh Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Nha Trang cho biết, Đoàn kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính Công ty TNHH New Silk Road, 591 Lê Hồng Phong - Phước Long chuyên bán chăn ga, gối, nệm cao su cho khách Trung Quốc. DN này trưng bày bản đồ Việt Nam nhưng lại thiếu 2 quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa. Đến nay, DN này đã chấp hành nộp phạt với mức phạt 120 triệu đồng.


Sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý


Năm 2018, lượng khách du lịch dự kiến tiếp tục tăng đột biến, chủ yếu vẫn là các thị trường như: Trung Quốc, Nga. Lượng khách tiếp tục tăng đông, dự báo tình hình vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, vi phạm gia tăng nếu như các cơ quan chức năng không vào cuộc kiểm tra thường xuyên, liên tục.


Bà Lê Thu Hải - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết, các hành vi vi phạm thời gian qua chủ yếu là: không có giấy chứng nhận kinh doanh, kinh doanh không đúng địa điểm, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ, không tuân thủ quy định về ghi nhãn hàng hóa… Trong năm 2018, Ban Chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh đã chỉ đạo quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách Trung Quốc.

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, năm 2017, công tác quản lý nhà nước đã làm rất tốt về giá, thuế, dịch vụ…, tạo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển tốt. Thời gian đến, để xử lý các sai phạm, các cơ quan quản lý cần phối hợp nắm thông tin từ Sở Du lịch, đảm bảo “đánh đâu, trúng đó”, xử lý nghiêm, từ đó tạo được hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng các cơ sở kinh doanh. Vì vậy, các lực lượng chức năng chuyên ngành như: Bộ đội Biên phòng, Công an, Tài chính, Quản lý thị trường… căn cứ chức năng, nhiệm vụ để đặt ra nội dung cần quản lý. Xung quanh vấn đề giá, thuế thì các ngành như: Tài chính, Thuế cần tăng cường quản lý vì đang có nhiều vấn đề liên quan đến du lịch cần quan tâm hơn. Trong giai đoạn hiện nay, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới, nâng hiệu quả quản lý, tăng nguồn thu ngân sách. Đối với hoạt động dịch vụ bán hàng liên quan yếu tố người nước ngoài cũng cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn. “Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, hiện nay, các hoạt động bán hàng cho người nước ngoài thường đóng kín cửa, cách xa trung tâm. Vì vậy, các lực lượng chuyên ngành phải có cách quản lý, kiểm tra để phát hiện vi phạm, chủ động nắm tình hình, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm để đảm bảo có hiệu quả”, đồng chí Trần Sơn Hải nhấn mạnh.


Đức Bình