11:10, 06/10/2017

Băn khoăn tour sông Cái

Được xem là một trong những tour dành cho du khách khám phá, tìm hiểu về TP. Nha Trang, tuy nhiên, những năm gần đây, lượng khách đặt tour sông Cái đã không còn nhiều và đều đặn như trước, dẫn tới chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất ở các điểm đến sụt giảm.

Được xem là một trong những tour dành cho du khách khám phá, tìm hiểu về TP. Nha Trang, tuy nhiên, những năm gần đây, lượng khách đặt tour sông Cái đã không còn nhiều và đều đặn như trước, dẫn tới chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất ở các điểm đến sụt giảm.


 Điểm trừ cho chất lượng


Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành ở Nha Trang đều đưa tour sông Cái vào chương trình tour của mình. Theo lộ trình, tour thường xuất phát ở bến tàu gần khu vực di tích Tháp Bà Ponagar, sau đó khách sẽ được di chuyển trên sông Cái bằng thuyền để đến điểm đầu tiên là đảo Dừa (phường Ngọc Hiệp) thưởng thức nước dừa tươi. Tiếp đó, khách sẽ đi đến nhà cổ ông Hải (xã Vĩnh Thạnh) để tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc của khu nhà, thưởng thức trái cây; lên ô tô để đến tìm hiểu về nghề dệt chiếu cói Ngọc Hội (xã Vĩnh Ngọc); tìm hiểu về nghề làm bếp lò ở làng gốm Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp).

 

Tuy nhiên, hiện nay, các điểm đến trên đều có những bất cập khiến chất lượng tour sông Cái giảm sút. Các bến thủy ở những điểm đến đều là bến tự phát, chất lượng kỹ thuật không được đảm bảo, kiến trúc thiết kế của các bến đơn giản quá mức. Kiểu dáng, sức chứa của phương tiện tàu thuyền đưa khách đi dọc sông Cái cũng ít có sự đầu tư, không thể hiện được nét đặc trưng văn hóa vùng miền và cũng chỉ chở được số lượng khách ít. Sản phẩm dịch vụ ở các điểm đến vẫn đơn điệu, không có nét mới. Nhà cổ ông Hải có nhiều hạng mục đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa. Làng gốm Lư Cấm nếu mấy năm trước có 4 nhà còn hoạt động và đón khách tham quan thì nay chỉ còn 1 nhà, nhưng cũng không mấy mặn mà trong việc đón tiếp khách du lịch. Làng dệt chiếu cói Ngọc Hội cũng bị thu hẹp quy mô, số lượng các gia đình làm nghề giảm do hiệu quả kinh tế thấp.


“Mới đây, công ty chúng tôi đưa đoàn doanh nghiệp đến từ Hồng Kông, Hàn Quốc, Úc đi khảo sát tour sông Cái. Kết thúc hành trình, các thành viên trong đoàn đều chấm điểm rất thấp cho tour này. Theo đánh giá của họ, tour sông Cái có những hạn chế như: không gian của các điểm đến đều chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp, sản phẩm dịch vụ tour chưa thể hiện được nét đặc trưng vùng miền”, ông Lê Kim Nhựt - Giám đốc Công ty Du lịch Nha Trang Trẻ cho biết.

 

Du khách nước ngoài tìm hiểu nghề dệt chiếu trong hành trình tour sông Cái

Du khách nước ngoài tìm hiểu nghề dệt chiếu trong hành trình tour sông Cái

 

Hồi phục tour sông Cái?


Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, sở dĩ tour du lịch sông Cái trong thời gian qua có sự giảm sút về chất lượng là do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Sản phẩm du lịch của tour này vẫn còn đơn điệu và ít có sự thay đổi, chất lượng các dịch vụ, phục vụ còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, để hồi phục tour du lịch sông Cái cần có quy hoạch phát triển dọc bờ sông, từ đó mới có định hướng cụ thể cho việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Trước mắt, để hạn chế đà giảm sút chất lượng tour sông Cái, các doanh nghiệp du lịch đang trực tiếp khai thác tour này cần có sự tái đầu tư cho người dân trực tiếp tham gia vào việc phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, chính quyền địa phương ở các điểm tham quan cần có sự hỗ trợ, lên tiếng trong việc xây dựng cơ sở vật chất.


Còn theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Công ty Du lịch Mãi Xanh, một hạn chế trong tour sông Cái chính là phương tiện vận chuyển đường sông quá nhỏ. Điều này một phần là do cầu gỗ Phú Kiểng chưa được đầu tư xây dựng thành cầu bê tông có nhịp cao kiên cố. Vậy nên, mỗi lúc nước lớn, tàu thuyền không thể qua đây được nên buộc phải chuyển khách lên bờ đi ô tô hoặc quay trở lại. “Muốn có được những phương tiện tàu thuyền phục vụ tour sông Cái có kích thước lớn, mẫu mã đẹp, phục vụ được nhiều khách thì cây cầu gỗ này phải được thay thế. Còn như hiện tại rất bất tiện cho việc đưa khách tham quan dọc bờ sông, nhất là với những đoàn khách đông người”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.


Theo bà Nguyễn Thị Đỡ - thôn Ngọc Hội (xã Vĩnh Ngọc), hiện nay, diện tích đất trồng cói trên địa bàn xã bị thu hẹp nhiều nên giá thành nguyên liệu cho sản phẩm dệt chiếu cói tăng lên, buộc giá sản phẩm làm ra cũng tăng dẫn đến sức tiêu thụ kém, vì thế nhiều nhà đành phải bỏ nghề. “Việc các công ty du lịch đưa khách đến xem nghề làm chiếu cũng phần nào giúp người dân có thêm thu nhập. Nhưng nguồn thu đó không ổn định và không giải quyết được những khó khăn mà người dân đang gặp phải. Giá như có một công ty nào đó mua đất trồng cói rồi bán lại cói nguyên liệu cho người dân với giá thành hợp lý thì việc duy trì làng nghề sẽ bền vững hơn”, bà Đỡ nói.


Làm gì để phục hồi, phát triển tour sông Cái không phải là không có giải pháp. Nhưng giải pháp đó ai làm, làm như thế nào lại là vấn đề cần nhận được tiếng nói chung giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Có như vậy mới mong đến một ngày tour du lịch này khoác lên mình bộ áo mới, chuyên nghiệp hơn với cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm dịch vụ ăn uống, giải trí, tham quan đặc sắc.


Nhân Tâm