Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành lấy lý do toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 11 hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung để sử dụng người nước ngoài làm HDV trái phép. Tuy vậy, một số DN khác lại cho rằng vẫn có giải pháp để đáp ứng nhu cầu HDV tiếng Trung.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành lấy lý do toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 11 hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung để sử dụng người nước ngoài làm HDV trái phép. Tuy vậy, một số DN khác lại cho rằng vẫn có giải pháp để đáp ứng nhu cầu HDV tiếng Trung.
Huy động hướng dẫn viên từ nơi khác…
Bà Hà Nguyệt Mĩ - HDV quốc tế cho biết, hiện nay, có khoảng 200 HDV tiếng Trung có thẻ hành nghề của Tổng cục Du lịch chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Vài năm trước, khi mới đưa khách đến Khánh Hòa, các DN lữ hành thường xuyên sử dụng HDV người Việt. Thế nhưng sau đó, khi lượng khách tăng nhanh thì các DN lại không sử dụng HDV người Việt mà sử dụng chính người Trung Quốc làm HDV trái phép. Tình trạng này không chỉ làm các HDV người Việt gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, mà còn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là khi công tác quản lý chưa chặt chẽ. Nguồn thu nhập của HDV Trung Quốc là “hoa hồng” khi dẫn du khách đi mua hàng tại các cửa hàng do những công ty Trung Quốc lập ra. “Đây là vòng tròn khép kín chăn dắt du khách, giúp các công ty thu được lợi nhuận cao hơn và HDV trái phép vẫn có thể sống thoải mái”, bà Mĩ nói.
Một hướng dẫn viên người Trung Quốc hướng dẫn du khách tham quan TP. Nha Trang. |
Để giải quyết tình trạng trên, một số DN lữ hành cho rằng vẫn có giải pháp để đáp ứng nhu cầu HDV tiếng Trung. Ông Nguyễn Quang Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế TicTour, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, ngày 5-7, tàu biển quốc tế 5 sao Costa Victoria (quốc tịch Italia) đã chở gần 1.700 khách Hồng Kông, Trung Quốc đến tham quan TP. Nha Trang. Công ty TNHH Lữ hành quốc tế TicTour là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức cho du khách tham quan thành phố. Để đáp ứng nhu cầu cho hơn 1.000 du khách, công ty TicTour phải cần khoảng 40 HDV tiếng Trung. “Vì lực lượng HDV tiếng Trung của tỉnh chỉ có 11 người nên công ty đã huy động HDV từ nhiều địa phương khác như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để đáp ứng đủ nhu cầu. Đây là những HDV chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và đều được cấp thẻ hành nghề HDV quốc tế. Mặc dù chi phí cao (vì HDV phải đi xa) nhưng chúng tôi chấp nhận để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật”, ông Thắng nói.
…và các giải pháp
Theo các DN thì chi phí cho HDV đã được tính vào chi phí giá tour. Vì vậy, khi đàm phán để đưa khách đến Nha Trang, các DN cần yêu cầu phía đối tác bên Trung Quốc phải sử dụng HDV người Việt chứ không thể sử dụng HDV “chui” như hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Thắng cho biết, do giá tour được bán bên Trung Quốc quá thấp nên nhiều DN đã sử dụng trưởng đoàn kiêm luôn HDV để giảm chi phí. Giá thấp nên DN tìm cách tiết giảm và cố gắng thu thêm khách thông qua việc mua sắm. Vì vậy, trong quá trình đàm phán, các DN Việt Nam phải đảm bảo giá để ổn định chất lượng dịch vụ, thực hiện đúng quy định của pháp luật về HDV. “Sắp đến sửa đổi Luật Du lịch, chúng tôi cũng đã kiến nghị quy định rõ: Chỉ cần bị phát hiện sử dụng 1 HDV trái phép thì DN lữ hành quốc tế sẽ bị rút giấy phép. Đồng thời, phải phát huy vai trò của hiệp hội ngành nghề để các DN cùng cam kết không bán phá giá nhằm đảm bảo chất lượng”, ông Thắng chia sẻ.
Luật Du lịch năm 2005 quy định, HDV quốc tế phải có bằng đại học. Nhưng hiện nay, nhiều người có khả năng tiếng Hoa, có thể làm HDV lại không có bằng đại học. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng tạm thời bỏ qua tiêu chuẩn phải tốt nghiệp cử nhân mà chấp nhận những lao động biết tiếng Hoa. Sau đó, Sở Du lịch hay Hiệp hội Du lịch tổ chức lớp đào tạo kỹ năng cho những trường hợp này rồi xét cấp thẻ HDV tạm thời nhằm bổ sung cho lực lượng HDV. Còn ông Nguyễn Văn Tưởng - Giám đốc Công ty Trầm Hương Khánh Hòa, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho rằng, hiện nay, lực lượng lao động biết tiếng Trung ngoài nguồn là những cử nhân tiếng Trung do các trường đại học đào tạo, còn có cử nhân nhiều ngôn ngữ khác như: tiếng Anh, tiếng Pháp... được học tiếng Trung là ngôn ngữ thứ 2 ở trường đại học. Đội ngũ này rất đông đảo, lên đến hàng ngàn người; nếu họ được đào tạo thêm về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, rèn luyện thêm tiếng Trung thì đủ khả năng đáp ứng nhu cầu HDV tiếng Trung. “Vấn đề chính là ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng, các DN phải tạo điều kiện cho họ được tiếp cận công việc, từ đó nâng cao kỹ năng, cấp phép hành nghề. Đây chính là giải pháp cơ bản nhất để giải quyết bài toán HDV tiếng Trung hiện nay”, ông Tưởng nhấn mạnh.
Đức Bình