Trước thực trạng người lao động nước ngoài làm việc trái phép tại Nha Trang (Báo Khánh Hòa đã có bài phản ánh trong các số báo ra ngày 5 và 6-7), chiều 6-7, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để nghe báo cáo và tìm giải pháp tháo gỡ.
Trước thực trạng người lao động nước ngoài làm việc trái phép tại Nha Trang (Báo Khánh Hòa đã có bài phản ánh trong các số báo ra ngày 5 và 6-7), chiều 6-7, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để nghe báo cáo và tìm giải pháp tháo gỡ.
Nhiều sai phạm
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Để chấn chỉnh hoạt động du lịch, lữ hành quốc tế và sử dụng lao động người nước ngoài, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành. Đoàn do Sở Du lịch chủ trì sẽ làm việc với các DN lữ hành quốc tế để thông báo, hướng dẫn và tổ chức ký cam kết về thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đoàn do Sở Công Thương chủ trì sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán hàng phục vụ khách nước ngoài.
|
Tại cuộc họp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã phối hợp với Sở Du lịch, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay; phát hiện từ tháng 3, công ty này sử dụng 64 lao động nước ngoài không phép. Số lao động này vào Nha Trang bằng thị thực mang ký hiệu DN (thị thực cấp cho người nước ngoài vào liên hệ công tác với các đối tác người Việt Nam). Đoàn kiểm tra đã đề nghị Sở Du lịch xử phạt và chuyển qua Công an tỉnh trục xuất những lao động này về nước theo quy định. Ngoài ra, sở đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc quản lý, sử dụng lao động nước ngoài tại 21 công ty. Qua đó phát hiện tại Công ty TNHH Cầu Vồng Việt Nam (90 Hùng Vương, TP. Nha Trang) sử dụng 3 lao động nước ngoài, nhưng chưa xin cấp giấy phép lao động; một số đơn vị tuy đã được cấp phép nhưng lại chưa thực hiện ký kết hợp đồng lao động; thời gian làm việc và vị trí công việc trong hợp đồng không phù hợp với giấy phép đã cấp.
Thanh tra Sở Du lịch cũng đã tổ chức kiểm tra 14 doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch phục vụ khách Trung Quốc, qua đó phát hiện nhiều sai phạm như: sử dụng hướng dẫn viên (HDV) chưa được cấp thẻ và HDV là người nước ngoài; không thông báo cho cơ quan chức năng khi thay đổi nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký DN… Thanh tra Sở Du lịch đã xử lý vi phạm hành chính 7 trường hợp với số tiền hơn 160 triệu đồng; nhắc nhở 5 trường hợp; chuyển Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh 1 trường hợp người Trung Quốc vi phạm về hành nghề mà chưa được cấp phép của cơ quan chức năng, phạt 20 triệu đồng, hủy thị thực và rút ngắn thời gian tạm trú ở Việt Nam. Sở cũng kiểm tra đột xuất tại các điểm du lịch tập trung đông du khách như: chùa Long Sơn, cảng Cầu Đá, di tích Tháp Bà Ponagar, nhà thờ Chánh tòa Nha Trang. Qua đó, phát hiện và xử phạt hành chính 5 đơn vị với số tiền hơn 49 triệu đồng; phát hiện 4 trường hợp người nước ngoài vi phạm và đã chuyển Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh xử phạt 40 triệu đồng, buộc hủy thị thực, yêu cầu xuất cảnh.
|
Khu phố tây là địa điểm luôn tập trung đông người nước ngoài lưu trú. |
Ngoài ra, Công an tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện 18 trường hợp người nước ngoài hành nghề chưa được cấp phép. Cục Thuế tỉnh đã tiến hành kiểm tra một số đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, phát hiện Công ty TNHH Fitgood International Travel (1/7 Hùng Vương) không có giấy phép lữ hành quốc tế, xử phạt 45 triệu đồng; chuyển Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh 1 trường hợp (quốc tịch Trung Quốc) vi phạm do hành nghề chưa có giấy phép.
Tại cuộc họp, ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Bên cạnh những mặt đã làm được, công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại một số DN hoạt động dịch vụ du lịch, thương mại gặp nhiều khó khăn. Chủ DN thiếu hợp tác, khai báo; người nước ngoài sử dụng thị thực du lịch để làm việc cũng có nhiều chiêu thức đối phó”. Còn theo ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch, hiện nay, số lượng HDV tiếng Trung Quốc và tiếng Nga chưa đáp ứng được nhu cầu. Trước sự thiếu hụt này, các DN đã thuê HDV từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh… và sử dụng người nước ngoài để hướng dẫn khiến cho công tác quản lý càng khó khăn hơn. Ngoài ra, tình trạng DN đón khách Trung Quốc không có văn phòng trên địa bàn tỉnh đã tạo khó khăn cho việc hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh lữ hành. Một số DN khác lại thường xuyên thay đổi trụ sở làm việc, thay người đứng đầu DN mà không thông báo cho cơ quan quản lý.
Đi tìm giải pháp
Theo ông Mai Xuân Trí, để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới, sở sẽ phối hợp với Sở Du lịch, Sở Công Thương, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra toàn diện các DN có sử dụng lao động nước ngoài để xử lý những sai phạm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng phải quản lý chặt chẽ vấn đề lưu trú, đi lại, kinh doanh, an ninh trật tự của người nước ngoài trên địa bàn; nếu phát hiện sai phạm báo cáo để các ngành chức năng vào cuộc giải quyết.
|
Khách du lịch Trung Quốc đến tham quan danh thắng Hòn Chồng. |
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức quán triệt, phổ biến và yêu cầu các DN lữ hành ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động du lịch, đặc biệt là người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài, sẽ xây dựng quy chế đặc thù quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, nhất là việc DN đón, phục vụ khách du lịch Trung Quốc. Trong đó, tập trung kiểm tra các đầu mối giao thông, các điểm tham quan du lịch; kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh của các DN.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, ông Trần Sơn Hải yêu cầu Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh phối hợp với các ngành liên quan thông tin về người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Ngành Công an và các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng của những người nước ngoài thuê nhà ở, nhà trọ của người dân trong khu dân cư. Đồng thời, giao Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với UBND TP. Nha Trang nghiên cứu xây dựng đội ngũ thuyết minh viên nói được tiếng Trung ở các điểm du lịch, danh thắng, di tích lịch sử. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ du khách và lao động nước ngoài nhập cảnh vào Khánh Hòa; kiến nghị các cơ quan của Chính phủ sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 627 lao động nước ngoài đã cấp phép và đang làm việc. Trong đó, làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế có 107 người Hàn Quốc, 25 người Trung Quốc; làm việc trong các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, quản lý nhà hàng khách sạn và giáo dục có 130 người Nga, 47 người Ukaraine, 29 người Thổ Nhĩ Kỳ, 26 người Philippines. DN kinh doanh dịch vụ lữ hành có 222 đơn vị, trong đó có 40 DN có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Cụ thể, 10 DN có giấy phép khai thác thị trường khách Nga, 27 DN có giấy phép khai thác thị trường khách Trung Quốc. Sở Du lịch đã cấp thẻ HDV quốc tế cho 301 người, trong đó tiếng Nga 94 người, tiếng Trung 11 người.
Nhóm Phóng viên