10:07, 24/07/2016

Các nhà hàng nổi ở vịnh Cam Ranh: Tạm dừng hoạt động

Theo ông Trần Văn Hóa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, ngay sau vụ việc chìm nhà hàng nổi ở vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận,  chiều 23-7, UBND xã Cam Bình đã nhận được chỉ đạo của lãnh đạo TP. Cam Ranh về việc tạm dừng hoạt động các nhà hàng nổi ở đảo Bình Ba và đảo Bình Hưng.

Theo ông Trần Văn Hóa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, ngay sau vụ việc chìm nhà hàng nổi ở vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận,  chiều 23-7, UBND xã Cam Bình đã nhận được chỉ đạo của lãnh đạo TP. Cam Ranh về việc tạm dừng hoạt động các nhà hàng nổi ở đảo Bình Ba và đảo Bình Hưng. Xã đã thông báo đến các hộ kinh doanh và bắt đầu từ ngày 24-7, xã sẽ tuyệt đối không cho khách xuống các nhà hàng nổi. Các dịch vụ ăn uống phục vụ khách phải được thực hiện trên bờ.


Người dân còn chủ quan


Hiện nay, ở khu vực đảo Bình Ba và Bình Hưng có 28 nhà hàng nổi. Các nhà hàng này đều có kiến trúc, thiết kế tương đối giống nhau như: khung gỗ, mái tôn và được đặt trên hệ thống thùng phi bằng nhựa. Sự ra đời của các nhà hàng nổi bắt nguồn từ việc đáp ứng nhu cầu về địa điểm ăn uống của du khách.

 

Các nhà hàng nổi dạng bè ở đảo Bình Ba
Các nhà hàng nổi dạng bè ở đảo Bình Ba


Bà Lê Thị Lệ - chủ nhà hàng nổi Mỹ Lệ cho biết: “Nhà hàng của tôi có thể phục vụ cùng lúc 300 khách. Ở đây, tất cả các nhà hàng nổi đều làm giống nhà hàng của tôi. Từ trước đến nay, chưa có nhà hàng nào bị chìm, hay khách gặp tai nạn trên nhà hàng”, bà Lệ nói.


Chủ nhà hàng nổi M.Tr cho biết, các nhà hàng nổi trong khu vực đảo Bình Ba đều được làm theo kinh nghiệm là chính, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào do các cơ quan nhà nước quy định. “Nhà hàng nổi của gia đình tôi được làm bằng vật liệu tốt, lại ở khá gần bờ nên chẳng có gì đáng lo ngại”, chủ nhà hàng nói.

 

Tuy nhiên, do hoạt động mang tính tự phát nên các nhà hàng nổi này gần như không tuân thủ theo một quy định nào của cơ quan quản lý nhà nước. Trên các nhà hàng nổi gần như không được trang bị các dụng cụ đảm bảo an toàn tối thiểu như: áo phao, bình chữa cháy. “Các nhà hàng này đều do người dân tự ý làm, không hề xin phép chính quyền địa phương. Trong số 28 nhà hàng nổi chỉ có 18 nhà hàng có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật đối với kiến trúc của các nhà hàng thì vẫn còn bỏ ngỏ”, ông Trần Văn Hóa cho biết.


Cũng theo ông Hóa, lâu nay, địa phương chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động người dân kinh doanh dịch vụ nhà hàng nổi không đón khách quá đông, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ...

 

 


Tiến tới dừng hoạt động


Theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nếu đối chiếu với Luật Giao thông đường thủy nội địa, việc khai thác những nhà hàng nổi dạng bè này thuộc loại hình kinh doanh nhà hàng nổi. Tuy nhiên, tại Thông tư số 43 ngày 23-10-2012 của Bộ Giao thông vận tải về quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với tàu thủy lưu trú ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi thì lại không có quy định điều chỉnh đối với loại hình nhà hàng có kết cấu phần chìm dưới nước dạng bè như thế này. “Qua một số đợt kiểm tra liên ngành giữa Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát đường thủy, Chi cục Đăng kiểm số 5, chúng tôi mới chỉ thực hiện được việc kiểm tra về giấy đăng ký kinh doanh, trang bị áo phao, bình chữa cháy trên các nhà hàng. Về kết cấu kiến trúc của dạng nhà hàng này mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá sơ bộ”, ông Dần cho biết.


 Được biết, hiện nay, các nhà hàng nổi ở Bình Ba, Bình Hưng chưa có quy định cụ thể nào về kết cấu, trang thiết bị kỹ thuật, an toàn để quản lý. “UBND tỉnh cần sớm giao cho Sở Du lịch, hoặc Sở Giao thông vận tải chủ trì, tham mưu việc ban hành quy định quản lý nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống”, ông Dần đề xuất.


Tại cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về công tác quản lý vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện đường thủy diễn ra vào tháng 6, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã khẳng định: “Về nguyên tắc, các nhà hàng nổi dạng bè trên biển (có phục vụ ăn uống) không được phép hoạt động. Đối với các nhà hàng hiện có, đề nghị các địa phương, nhất là TP. Cam Ranh tiến hành rà soát, kiểm đếm, thông báo lộ trình thời gian dừng hoạt động (trong năm 2016) để các hộ kinh doanh biết. Đây là việc làm khó khăn, nhưng phải thực hiện ngay để đề phòng những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra liên quan đến hoạt động của các nhà hàng nổi dạng bè. Các địa phương phải chịu trách nhiệm thực hiện việc này”.


NHÂN TÂM



 



Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, trên vịnh Nha Trang có 11 nhà hàng nổi dạng bè, tập trung chủ yếu ở khu vực biển Vũng Ngáng, Hòn Một. Các nhà hàng nổi này có diện tích khác nhau, nhưng về kiến trúc, thiết kế, kết cấu cũng tương tự như các nhà hàng nổi dạng bè ở vịnh Cam Ranh. Một số nhà hàng còn có sự kết hợp giữa lồng bè nuôi thủy sản với nhà hàng phục vụ ăn uống. Hàng ngày, các nhà hàng nổi này đón tiếp một lượng lớn du khách đi tour 4 đảo ghé vào mua hải sản và ăn uống. Tại Nha Trang, việc quản lý hoạt động của các nhà hàng nổi cũng đang gặp nhiều khó khăn do chưa có những quy định, chế tài cụ thể để xử lý. Thời gian qua, TP. Nha Trang mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các hộ kinh doanh đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường biển. Về lâu dài, thành phố sẽ triển khai thực hiện quy hoạch hoạt động vui chơi giải trí và dịch vụ trên biển, từ đó sẽ có sự sắp xếp, bố trí lại các nhà hàng nổi này hợp lý hơn.