10:06, 17/06/2016

Hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng tàu thuyền: Cần quản lý chặt chẽ hơn

Ngày 17-6, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng tàu thuyền.

Ngày 17-6, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng tàu thuyền.


Nhiều bến tàu chưa được cấp phép vẫn hoạt động


Tại cuộc họp, các đơn vị đều cho rằng, rất khó quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng tàu thuyền. Hiện nay, có nhiều ngành cùng tham gia quản lý hoạt động này như: Sở Giao thông vận tải (GTVT), Cảnh sát giao thông đường thủy, Chi cục đăng kiểm số 5, Cảng vụ hàng hải Nha Trang, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, UBND các địa phương... nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra.

 

Một bè du lịch ở khu vực đảo Bình Ba (Cam Ranh)
Một bè du lịch ở khu vực đảo Bình Ba (Cam Ranh)


Theo đại diện Cảng vụ hàng hải Nha Trang, hiện tại có 36 bến tàu thuộc phạm vi quản lý của cảng vụ. Trong số này có 16 bến tàu đến thời điểm này chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động. Còn trong số 20 bến tàu được cấp phép thì cảng vụ chỉ thực sự quản lý được 15 bến. “Chúng tôi phải quản lý một số lượng lớn bến tàu, trong khi nhân sự rất ít nên không thể kiểm soát hết. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc xuất bến, chúng tôi đã thành lập 4 điểm làm thủ tục. Chúng tôi kiến nghị cần có giải pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các bến hoạt động không phép, không để kéo dài tình trạng này vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường thủy”, ông Phạm Văn Chương - Giám đốc Cảng vụ hàng hải Nha Trang nói.


Liên quan đến vấn đề bến không phép, ông Nguyễn Sĩ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang thông tin, trên địa bàn thành phố hiện có 8 bến tàu chưa có giấy phép nhưng vẫn hoạt động, trong đó có 6 bến nằm dọc sông Cái Nha Trang và 2 bến nằm ở đảo Trí Nguyên, đảo Hòn Tre.

 

Du khách chọn mua hải sản ở một bè du lịch trên vịnh Nha Trang
Du khách chọn mua hải sản ở một bè du lịch trên vịnh Nha Trang

 

Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 40 tuyến đường thủy nội địa với tổng số 60 bến thủy nội địa đang hoạt động, trong đó có 32 bến thủy chuyên phục vụ khách du lịch. Tổng số phương tiện thủy nội địa đã đăng ký hành chính là 736 phương tiện, trong đó có 653 phương tiện chở khách. Hoạt động vận tải khách du lịch trên đường thủy nội địa tập trung chủ yếu ở 5 khu vực: vịnh Nha Trang; đầm Nha Phu; vịnh Cam Ranh; vịnh Vân Phong; sông Cái Nha Trang.

Không chỉ có bến tàu không phép, tình trạng phương tiện không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động đón khách du lịch vẫn diễn ra. Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, hiện ở đảo Bình Hưng (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) có 23 phương tiện được người dân tự hoán cải từ tàu thủy sản sang chở người. Các phương tiện này đều chưa được đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định, nhưng hàng ngày vẫn đón khách du lịch từ khu vực Bãi Kinh (tỉnh Ninh Thuận) sang đảo Bình Hưng. Ở đảo Điệp Sơn (huyện Vạn Ninh) cũng có 4 phương tiện đã hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động. “Tháng 5 vừa qua, ở khu vực Bình Hưng đã có 1 phương tiện chở 27 người bị chìm, rất may lực lượng Biên phòng đã kịp ứng cứu. Nhưng qua đó cũng cho thấy mối nguy hiểm từ các phương tiện này. Chúng tôi thực sự đang rất khó khăn trong việc quản lý các phương tiện trên”, Thượng tá Trần Quốc Toản - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết.


Ngoài bến tàu, phương tiện thủy, sự xuất hiện của các bè du lịch ở Nha Trang, Bình Ba cũng khiến các nhà quản lý “đau đầu”. Bởi trên thực tế chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào cho loại hình trên, nhưng người dân vẫn tự ý đầu tư rất nhiều. “Chúng tôi hết sức bối rối với loại hình này. Bởi nếu cấm không cho hoạt động thì cũng chưa có văn bản nào nói rõ điều này. Còn nếu để hoạt động thì các điều kiện quy định cụ thể chưa có”, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh băn khoăn. Còn ông Đinh Vĩnh Tiền - Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang đề nghị tỉnh cần quy định rõ cho phép hay không cho phép loại hình bè du lịch hoạt động.


Xem lại thủ tục cấp phép xuất bến

 

Ông Trần Sơn Hải yêu cầu TP. Nha Trang tiến hành kiểm tra các bến tàu dọc sông Cái, bến nào không đủ điều kiện cấp phép phải xóa bỏ. Đối với hoạt động của các bè du lịch, các địa phương cần rà soát và thông báo cho người dân biết lộ trình phải dừng hoạt động loại hình này ngay trong năm 2016. Với các phương tiện ở khu vực đảo Bình Hưng, lực lượng Biên phòng và Cảnh sát giao thông đường thủy cần phối hợp không cho các phương tiện này chở khách du lịch. Nếu phát hiện trường hợp nào đón khách từ Bãi Kinh thì yêu cầu quay trở lại ngay.

Bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, trong hoạt động du lịch hiện nay, khó quản lý nhất là đối tượng khách đi du lịch tự do. Họ tự thuê phương tiện để đến một địa điểm nào đó rồi truyền tai nhau gây nên những cơn sốt như ở Bình Hưng, Điệp Sơn. Cũng theo bà Trúc, các doanh nghiệp du lịch đưa khách đi bằng phương tiện tàu thủy hiện đang phải chịu sự quản lý của quá nhiều ngành. “Để một chiếc tàu chở khách du lịch được xuất bến tại Bến tàu du lịch Cầu Đá, doanh nghiệp phải xin đến 7 hoặc 8 chữ ký vào tờ giấy xuất bến mới được đi. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này, nhưng vẫn chưa đạt kết quả”, bà Phan Thanh Trúc chia sẻ.


Còn theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT, tuy việc quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng tàu thuyền thuộc sự quản lý của nhiều ngành, địa phương, nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. “Tình trạng phương tiện không đủ điều kiện vẫn tổ chức tour tham quan biển đêm; tình trạng mở cảng, bến thủy nội địa trái phép, đón - trả khách không đúng nơi quy định; sử dụng phương tiện hoán cải không đủ điều kiện để đón khách... là những vấn đề cần được các ngành phối hợp giải quyết triệt để”, ông Nguyễn Văn Dần đề nghị.


Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Sơn Hải yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để đưa ra những giải pháp quản lý cụ thể, hiệu quả hơn đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng tàu thuyền. Cụ thể, Cảng vụ hàng hải Nha Trang, Sở GTVT rà soát, xem xét lại tình hình hoạt động của các bến tàu hiện nay, làm cơ sở để yêu cầu các chủ bến phải thực hiện theo đúng quy định. Hai đơn vị cần xem lại thủ tục cấp phép xuất bến đối với phương tiện phục vụ du lịch để vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước, vừa đơn giản hóa thủ tục, từ đó xác định rõ vai trò quản lý, trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Đối với những quy định không còn phù hợp với thực tế, các đơn vị cần kiến nghị UBND tỉnh xem xét sửa đổi…


Nhân Tâm


 



Hoạt động vận chuyển hành khách trên đường thủy nội địa phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tương đối đa dạng về loại hình: vận chuyển hành khách theo tuyến cố định (có 5 doanh nghiệp với 47 phương tiện, mục đích vận chuyển nhân viên làm việc và khách du lịch đến các khu nghỉ dưỡng của doanh nghiệp). Vận chuyển hành khách theo hợp đồng chuyến có hơn 200 đơn vị, chủ yếu là hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu số lượng phương tiện ít. Vận chuyển hành khách theo tour du lịch lữ hành quốc tế có 12 đơn vị với 50 phương tiện. Vận chuyển khách theo dạng tour du lịch trên biển bằng tàu du lịch, có phục vụ ăn uống gồm 3 đơn vị với 3 phương tiện. Vận chuyển ngang sông Cái Nha Trang do các hộ kinh doanh nhà hàng tự ý mở bến và sử dụng phương tiện thủy để vận chuyển. Hoạt động sử dụng bè nổi để phục vụ khách du lịch vui chơi, ăn uống trên vịnh Nha Trang có 11 bè, tại đảo Bình Ba và đảo Bình Hưng (Cam Ranh) có 28 bè, tại đảo Điệp Sơn (Vạn Ninh) có 1 bè. Loại hình thể thao giải trí trên biển có tổng cộng 28 phương tiện mô tô nước và 6 ca nô kéo dù.