10:05, 26/05/2016

Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh

Sau loạt bài "Khách du lịch Trung Quốc tăng trưởng mạnh: Vừa mừng vừa lo" ngày 25 và 26-5, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.

Sau loạt bài “Khách du lịch Trung Quốc tăng trưởng mạnh: Vừa mừng vừa lo” ngày 25 và 26-5, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.


- Thưa ông, trước những diễn biến phức tạp trong quản lý hoạt động du lịch, chúng ta cần làm gì để duy trì được nguồn khách từ Trung Quốc vừa hạn chế những biểu hiện tiêu cực?

 


- Trong những năm qua, lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa vẫn giữ mức tăng ổn định, bình quân khoảng 20%/năm. Năm 2011 Khánh Hòa đón 13.211 lượt khách Trung Quốc, đứng thứ 11 thị trường khách quốc tế đến Khánh Hòa. Năm 2015 đã đón được 182.356 lượt khách, vươn lên đứng thứ 2 trong Top 10 thị trường khách quốc tế đến Khánh Hòa, chỉ sau thị trường khách Nga. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2016, Khánh Hòa đón 107.696 lượt khách Trung Quốc, tăng 392% so với cùng kỳ và đã vươn lên dẫn đầu Top 10 thị trường khách quốc tế đến Khánh Hòa. Trong thời gian đến, dự báo khách Trung Quốc đến Khánh Hòa vẫn tiếp tục tăng.


Có thể nói, số lượng khách Trung Quốc đến Khánh Hòa tăng trong thời gian qua đã góp phần bù đắp cho các thị trường khách khác bị sụt giảm, tạo sự tăng trưởng cho du lịch Khánh Hòa. Tuy nhiên, số lượng khách Trung Quốc tăng đột biến đã tạo thêm những khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước như: một số doanh nghiệp (DN) chưa có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn bán tour cho người nước ngoài, hoặc sử dụng người Trung Quốc làm hướng dẫn viên, tình trạng trốn thuế, tổ chức tour chui, gây mất an ninh trật tự… Trong khi đó, lực lượng thanh, kiểm tra của ngành Du lịch mỏng và theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền thì cần phải phối hợp với các lực lượng khác trong công tác thanh kiểm tra.


Để khắc phục và tháo gỡ những khó khăn trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện một số nội dung cụ thể như sau: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Du lịch; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh... tăng cường công tác phối hợp nhằm kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép, sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch, hướng dẫn viên không có thẻ hướng dẫn viên quốc tế hoặc thẻ đã hết hạn, tình trạng bán tour chui cũng như các vấn đề khác khi có sự phản ánh của du khách… Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, mua bán hàng hóa, dịch vụ du lịch bằng ngoại tệ trái quy định. Cục Thuế tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt mạnh và nghiêm minh các hiện tượng trốn thuế, tự ý nâng giá, “chặt chém” của các nhà hàng, khách sạn. Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa tổ chức lại hoạt động của các hội viên trong Chi hội khách sạn và Chi hội lữ hành nhằm tạo sự gắn kết, tránh tình trạng cạnh tranh bằng cách giảm giá làm giảm chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng không tốt đến uy tín và thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.


UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là TP. Nha Trang tăng cường công tác kiểm tra, quản lý địa bàn, quản lý người nước ngoài, các cơ sở kinh doanh, an ninh trật tự. Trước mắt, để tạo điều kiện cho các DN lữ hành đón khách Trung Quốc, nhưng không đủ số lượng hướng dẫn viên tiếng Trung, UBND tỉnh đang xem xét đề xuất của Sở Du lịch về việc cho phép sử dụng cộng tác viên tiếng Trung là người Việt Nam do các công ty lữ hành sát hạch, chọn lọc và đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ hướng dẫn viên, được cấp chứng chỉ ngoại ngữ chuyên ngành du lịch.


- Vậy, mục tiêu chính của ngành Du lịch Khánh Hòa là gì? Để thực hiện được những mục tiêu đó, UBND tỉnh đã có những hỗ trợ như thế nào đối với DN du lịch, thưa ông?


 - Mục tiêu chung của ngành Du lịch là thu hút và đáp ứng các nhu cầu, không phân biệt đối xử với bất cứ đối tượng khách nào. Trong đó, các DN, cơ sở dịch vụ có thể nghiên cứu đặc điểm, nhu cầu của từng đối tượng khách để có phương án tiếp cận, khai thác, phục vụ phù hợp. Du lịch Khánh Hòa ưu tiên khai thác các thị trường khách có nhu cầu chi tiêu cao, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp và có tính ổn định, phát triển bền vững.


Thực tế trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho các DN đầu tư các sản phẩm du lịch cao cấp, cũng như đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng phát triển. Để thực hiện được mục tiêu này, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội và DN dịch vụ du lịch trong việc chủ động đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, cũng như liên kết để phục vụ các nhu cầu khác nhau của các thị trường khách, để vừa bảo đảm nhu cầu trước mắt, đồng thời đảm bảo đáp ứng cho các thị trường khách theo mục tiêu lâu dài mà ngành Du lịch Khánh Hòa đã xác định.


- Theo ông, để giữ gìn thương hiệu du lịch Nha Trang một cách bền vững thì phía cơ quan quản lý nhà nước, các DN du lịch cần phải làm gì?


- Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vì vậy, hệ thống cơ chế, chính sách phát triển du lịch đòi hỏi sự đồng bộ rất cao, đó là sự phối hợp giữa ngành Du lịch với các sở, ngành liên quan, giữa cơ quan quản lý ở Trung ương và cơ quan quản lý ở địa phương, giữa Nhà nước và DN, giữa các địa phương, các DN... Để giữ gìn thương hiệu du lịch Nha Trang một cách bền vững, về mặt quản lý nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động ngành Du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 và Chương trình hành động ngành Du lịch từng năm để thực hiện. UBND tỉnh cũng đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; Quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ khách du lịch trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 92 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ mới; Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 2-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước tập trung khắc phục yếu kém về phát triển du lịch và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác.


Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao cho các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ về công tác quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư cơ sở vật chất du lịch, hợp tác phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, quảng bá xúc tiến, môi trường, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng cho các DN kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, trong thời gian qua, thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã khẳng định được vị thế của mình không những trong nước mà vươn ra khu vực và thế giới, luôn được du khách trong và ngoài nước tin tưởng là điểm đến “văn minh - thân thiện và mến khách”.


Đối với các DN, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh của DN. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa thực sự là đại diện cho lợi ích của các thành viên; làm nòng cốt trong các hoạt động từ quảng bá, xúc tiến tới nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước những chính sách, kiến nghị cụ thể để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho DN nhằm tạo môi trường phát triển lành mạnh và bền vững.


- Xin cảm ơn ông!


Nhân Tâm (Thực hiện)