Lặn biển được xem là một sản phẩm du lịch đặc trưng ở Nha Trang từ hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên lặn biển gần đây mới được đề cập đến nhưng còn nhiều băn khoăn.
Lặn biển được xem là một sản phẩm du lịch đặc trưng ở Nha Trang từ hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho đội ngũ huấn luyện viên (HLV), hướng dẫn viên (HDV) lặn biển gần đây mới được đề cập đến nhưng còn nhiều băn khoăn.
Học nghề theo chuẩn quốc tế
Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có 14 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh dịch vụ lặn biển đang hoạt động với 20 HLV và 80 HDV. Để đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, đòi hỏi DN phải thực hiện một loạt các quy định cụ thể ở nhiều cấp khác nhau. Trong đó có quy định về số lượng, bằng cấp của đội ngũ HLV, HDV lặn biển.
Du khách tham gia loại hình lặn biển |
Hầu hết bằng cấp của đội ngũ HLV, HDV lặn biển này đều do 1 trong 3 tổ chức: Hiệp hội Bơi lặn quốc tế (PADI) của Mỹ, Trường lặn quốc tế (SSI) của Thái Lan và Hiệp hội Thợ lặn nhà nghề Nga (NDL) cấp. Trên danh nghĩa, bằng chứng nhận, thẻ hành nghề do các tổ chức này cấp có giá trị ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Anh Đặng Minh Khai - HLV lặn biển của Trung tâm Lặn biển Happy Diving cho biết, chặng đường từ lúc bắt đầu vào học đến khi lấy được bằng HLV do PADI cấp tương đối dài. Giáo trình học khá bài bản, chặt chẽ, được áp dụng ở tất cả các nước có thành viên của tổ chức này. Bên cạnh những kỹ năng, hiểu biết, cách sử dụng các thiết bị lặn biển, các kiến thức chuyên sâu về lặn biển, người học phải đáp ứng được khả năng lặn sâu 20m. Sau đó, người học phải học về sơ cấp cứu, lặn cứu hộ; đến khi người học hoàn thành khóa lấy chứng chỉ HDV thì mới có khả năng theo kèm, hướng dẫn cho khách lặn biển. Tổng thời gian lấy được bằng HDV mất khoảng 16 tháng.
Còn để có bằng HLV, phải học khóa học nâng cao do các chuyên gia lặn biển trực tiếp đến từ PADI truyền dạy, sát hạch. Việc sát hạch cấp bằng HLV diễn ra không thường xuyên, nếu thi chưa đạt yêu cầu thì thời gian để có được bằng kéo dài. “Nếu thi trượt, người học phải học lại từ đầu. Đó là chưa kể đến việc đóng lệ phí cũng tương đối cao”, anh Khai cho biết.
Người có bằng HLV, ngoài việc đi hướng dẫn cho khách lặn biển còn có thể tham gia công tác dạy nghề cho những người đăng ký học. “Khi tuyển dụng, chúng tôi luôn ưu tiên những người có bằng của PADI. Bởi qua tìm hiểu về quy trình đào tạo của tổ chức này, chúng tôi thấy có thể đặt niềm tin về trình độ của những người được cấp bằng. Ngoài ra, PADI còn có cơ chế kiểm tra chéo giữa các thành viên với nhau nên rất khó gian lận trong quá trình đào tạo, cũng như hoạt động của các thành viên”, ông Dương Thành Nhân - Giám đốc Công ty TNHH Liên Thành chia sẻ.
Chờ các quy định cụ thể
Nha Trang - Khánh Hòa được xem là nơi đầu tiên trong cả nước phát triển dịch vụ lặn biển. Mỗi năm, có hàng nghìn lượt khách du lịch đến Nha Trang để ngắm thế giới trong lòng đại dương. Vì thế, tuy chưa có những quy định cụ thể của Trung ương, nhưng lâu nay tỉnh đã vận dụng các quy định để tạo điều kiện cho hoạt động lặn biển phát triển.
Theo ông Nguyễn Hải Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH-TT-DL), trước đây, chức năng cấp phép hoạt động lặn biển thuộc Sở VH-TT-DL, nhưng hiện tại, các hoạt động này do UBND tỉnh cấp phép. Đến thời điểm này, trong nước vẫn chưa có cơ sở, tổ chức nào chuyên đào tạo và cấp chứng chỉ về lặn biển. Vì vậy, để có đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực lặn biển, nhiều người đã theo các khóa học của PADI, SSI, NDL để lấy bằng HLV, HDV. “Lâu nay, việc cấp phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ lặn biển đều căn cứ trên các quy định của Luật Thể dục, thể thao và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Theo đó, đối với HLV của các DN kinh doanh hoạt động thể thao là người có bằng cấp về chuyên ngành thể dục, thể thao từ bậc trung cấp trở lên, hoặc có chứng nhận chuyên môn do liên đoàn thể thao quốc gia, quốc tế tương ứng cấp”, ông Sơn cho biết.
Được biết, trước đây, để được cấp phép hoạt động, về nhân sự, DN chỉ cần xuất trình bản chính, bản sao và bản dịch có công chứng các văn bằng, chứng chỉ liên quan của HLV, HDV do các tổ chức nước ngoài cấp. Trong Quy chế về quản lý tổ chức hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển do UBND tỉnh ban hành ngày 3-6-2015 cũng nêu rõ, điều kiện về đội ngũ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực lặn biển là: “Đội ngũ HDV, HLV, cấp cứu viên dưới nước phải có giấy chứng nhận do các tổ chức dạy lặn ở trong nước, nước ngoài cấp, được cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam công nhận”. Như vậy, tuy không có văn bản chính thức, nhưng trước đây các văn bằng, chứng chỉ lặn biển do PADI, SSI, NDL cấp cũng được các cơ quan quản lý nhà nước ngầm chấp nhận.
Còn nhiều bất cập
Mới đây, sau khi tiến hành xem xét và rà soát lại quy trình cấp phép đối với hoạt động lặn biển, các cơ quan quản lý nhận thấy, việc đào tạo và cấp chứng chỉ đối với đội ngũ HLV, HDV lặn biển của các tổ chức nước ngoài còn nhiều bất cập. Trong lĩnh vực đào tạo, những tổ chức này chưa được cấp phép đào tạo ở Việt Nam. Một số người nước ngoài trực tiếp đến dạy nghề lặn biển tại Việt Nam cũng chưa được cấp giấy phép lao động. “Các tổ chức muốn thực hiện việc dạy nghề ở Việt Nam đều phải có giấy phép được cấp có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn phải được cấp giấy phép lao động thì mới được làm việc trên lãnh thổ Việt Nam”, ông Lê Văn Khải - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết.
Tại cuộc họp ngày 7-10 về việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ lặn biển, đồng chí Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Việc xem xét cấp phép lặn biển có giấy chứng nhận do tổ chức nước ngoài cấp thì Sở VH-TT-DL phải tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo các quy định của Việt Nam về hợp pháp hóa lãnh sự và về đào tạo có yếu tố nước ngoài. Tuyệt đối tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sở VH-TT-DL chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát việc cấp phép hoạt động lặn biển trên địa bàn tỉnh, có báo cáo trình UBND tỉnh trước ngày 30-10. |
Một vấn đề khác, đó là về giá trị, tính xác thực của các văn bằng, chứng chỉ do những tổ chức lặn biển nước ngoài cấp cho đội ngũ nhân viên lặn biển. Theo Nghị định số 111, ngày 5-12-2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự: “Để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự”. Vậy nhưng, lâu nay vấn đề này gần như bị bỏ ngỏ.
Theo nghị định trên, hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao là cơ quan có thẩm quyền hợp pháp hóa lãnh sự ở trong nước. Bộ Ngoại giao có thể ủy quyền cho cơ quan ngoại vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự. Cơ quan, tổ chức và cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hợp pháp hóa lãnh sự, hoặc thông qua cơ quan ngoại vụ được ủy quyền theo quy định. “Các đơn vị, DN cần phải hiểu rõ ý nghĩa của việc hợp pháp hóa lãnh sự. Theo tôi, lặn biển là nghề tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, nên việc đào tạo, cấp bằng đối với hoạt động này phải thực hiện chặt chẽ và được sự đồng ý của Chính phủ”, ông Nguyễn Quốc Trâm - Giám đốc Sở Ngoại vụ nêu ý kiến.
Có thể thấy, tuy dịch vụ lặn biển đã phát triển từ lâu, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có được những quy định cụ thể, chi tiết. Hơn lúc nào hết, các DN lặn biển đang chờ những quy định cụ thể để yên tâm kinh doanh, cũng như có căn cứ để phục vụ du khách được tốt hơn.
Nhân Tâm