Sau hơn 3 năm hợp tác phát triển du lịch giữa hai tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng, tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để mối liên kết được chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Sau hơn 3 năm hợp tác phát triển du lịch giữa hai tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng, tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để mối liên kết được chặt chẽ, hiệu quả hơn.
. Thành quả và hạn chế
Năm 2010, chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa hai tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng được lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) hai tỉnh ký kết. Qua thời gian triển khai thực hiện, chương trình đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo 2 tỉnh, cũng như sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn. Theo bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Khánh Hòa, các nội dung trong chương trình hợp tác liên kết đã đạt được những thành quả nhất định. Hai địa phương đã tạo được tour liên kết đặc thù theo xu hướng du lịch sinh thái rừng - biển; thu hút và tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư từ hai địa phương đăng ký, triển khai nhiều dự án về du lịch để tạo sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ du khách; công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch được phối hợp chặt chẽ; số lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng; cán bộ, lao động phục vụ ngành du lịch được quan tâm, hỗ trợ đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ; hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp, rút ngắn thời gian di chuyển của du khách. “Những kết quả đó đã khẳng định vai trò quan trọng của chương trình hợp tác phát triển du lịch vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương”, bà Phan Thanh Trúc đánh giá.
Du khách Nga tham quan một điểm du lịch ở Khánh Hòa (ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo hai Sở VH-TT-DL, chương trình vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đến nay, việc phát hành ấn phẩm quảng bá chung tiềm năng, thế mạnh du lịch của 2 địa phương chưa được thực hiện. Các chương trình xúc tiến chung tại các thị trường khách trọng điểm nước ngoài chưa được tổ chức. Sự phối hợp xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát. Việc tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm của hai địa phương chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau. Mối liên kết, hợp tác giữa các hãng lữ hành, các DN du lịch còn rời rạc. Việc xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn để khai thác các sản phẩm du lịch mới nhằm kéo dài thời gian lưu trú và sử dụng dịch vụ của khách du lịch cũng như việc triển khai các dự án đầu tư còn chậm. “Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên một phần do thiếu kinh phí. Phần khác, do Hiệp hội du lịch 2 địa phương chưa làm hết vai trò của mình trong chương trình liên kết, chưa chủ động đề xuất các hoạt động chung để huy động DN tham gia. Các DN du lịch còn thụ động trong xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và mở rộng thị trường, đầu tư sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho biết.
. Doanh nghiệp lên tiếng
Trong khuôn khổ hội nghị sơ kết chương trình hợp tác phát triển du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng vừa được tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng, đại diện một số DN du lịch hai địa phương đã nêu nhiều ý kiến xác đáng để chương trình ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Ông Trần Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú cho rằng: “Hai địa phương cần tạo được môi trường du lịch trong sạch, bền vững. Các biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng đến du khách, DN du lịch cần được xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, các DN du lịch cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của mình để giữ chân khách lâu hơn”.
Đối với các DN du lịch, việc cung cấp thông tin về các sự kiện, các chương trình văn hóa - nghệ thuật, lễ hội của các địa phương là việc khá quan trọng giúp DN nắm bắt, chủ động xây dựng chương trình tour của mình. “Chính quyền địa phương cần cung cấp thông tin sớm cho các DN để DN xây dựng tour, chương trình, chính sách, chiến lược kinh doanh”, đại diện Chi nhánh Công ty Ánh Dương tại Nha Trang đề nghị. Cùng chung quan điểm, ông Lưu Thắng Lợi - Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch Đà Lạt nêu thực tế: “Lâu nay, các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh thường đưa đến các DN rất trễ. Điều đó khiến DN bị động, thậm chí không kịp xây dựng chương trình tour để thu hút khách”.
Một số hạn chế khác trong chương trình hợp tác phát triển du lịch cũng được các DN góp ý. “Các DN du lịch thường có các chương trình khuyến mãi để thu hút khách. Tuy nhiên, việc làm này còn mang tính đơn lẻ và thiếu kênh thông tin chính thống để giới thiệu với du khách. Nên chăng, cơ quan quản lý nhà nước của 2 địa phương cần xây dựng website để các DN đưa thông tin của mình lên đó”, ông Lê Đức Tường - Trưởng phòng Lữ hành thuộc Trung tâm Dịch vụ lữ hành Sannest Tourist đề xuất. Còn ông Võ Đình Trung - Giám đốc Công ty Lữ hành Mạo Hiểm Việt (Đà Lạt) chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta chưa xây dựng được điểm dừng chân cũng như cổng chào giữa hai địa phương. Nhưng đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh lâu nay khách du lịch vẫn thường dừng chân để ngắm cảnh, thư giãn. Do chưa có thùng rác, cũng như biện pháp thu gom nên rác thải ở vị trí này rất nhiều”. Đối với vấn đề thu hút khách từ Liên bang Nga, Chi nhánh Công ty Ánh Dương tại Nha Trang đề nghị, cần đào tạo nguồn nhân lực du lịch biết nói tiếng Nga để có thể đạt hiệu quả hơn về xúc tiến, quảng bá.
Nhân Tâm