Nhắc đến đền Trần, lâu nay nhiều người chỉ biết đền Trần ở Nam Định nổi tiếng với lễ hội khai ấn vào rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, cách đó không xa, đền Trần Thương ở Hà Nam cũng là một ngôi đền quy mô, bề thế, có thể so sánh với những nơi thờ tự Đức Thánh Trần lớn trong cả nước.
Nhắc đến đền Trần, lâu nay nhiều người chỉ biết đền Trần ở Nam Định nổi tiếng với lễ hội khai ấn vào rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, cách đó không xa, đền Trần Thương ở Hà Nam cũng là một ngôi đền quy mô, bề thế, có thể so sánh với những nơi thờ tự Đức Thánh Trần lớn trong cả nước. Nghi thức phát lương cũng được tổ chức tại đây vào rằm tháng Giêng....
Muốn đến đền Trần Thương, du khách có thể đi từ TP. Phủ Lý về Vĩnh Trụ 14km, theo đường ĐT491 đi Bắc Lý, đến Cầu Không đi khoảng 4km về phía Cống Tróc là có lối rẽ vào đền. Hoặc từ TP. Nam Định theo đường ĐT492 lên Vĩnh Trụ, rồi theo đường ĐT491 đi tiếp, hay đi dọc đê sông Hồng, đến điếm Tổng rẽ về Trần Thương...
Đền có kiến trúc rất đẹp với những giếng nước cổ, đá phủ đầy rêu xanh, những hàng cây cổ thụ thâm trầm. Trần Thương như tên gọi, chính là kho lương của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược lần thứ hai, được xây dựng trên một khu đất rộng, nằm biệt lập ở phía đầu làng. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và song thân của Người. Trong tâm thức người dân, ông là Đức Thánh Cha và được thờ ở nhiều nơi. Riêng ở Hà Nam, Trần Thương là ngôi đền quy mô, bề thế nhất, có thể so sánh vị trí của nó với những nơi thờ tự Ngài lớn nhất trong cả nước. Dân gian có câu: “sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc” chính là để nói đến địa danh Trần Thương này, bởi cách Trần Thương 3km về phía Đông theo đường chim bay là khu Tam Đường - nơi đặt khu lăng mộ nhà Trần, về phía Nam khoảng 20km là Thiên Trường (quê hương nhà Trần).
Nghi thức trước khi vào Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần. |
Theo những tài liệu được lưu giữ, đền Trần Thương được dựng vào thời hậu Lê, sang thời Nguyễn thì làm lại. Năm 1893, niên hiệu vua Thành Thái thứ năm thì trùng tu lần đầu. Với những nét đặc sắc và độc đáo về kiến trúc, sắp xếp địa cơ theo phong thủy như: Phía trước cổng có hồ nước gọi là “Huyền vũ” án cửa; cổng Tam quan chính Nam (theo kinh dịch là Ly) gọi là “Ngọ Môn Quan”. Những công trình kiến trúc của đền như hồ nước trước cổng, 4 giếng nước ngoài đền và hồ khẩu bên trong đều được sắp xếp theo phong thủy rất đặc sắc. Theo các cụ cao tuổi ở các thôn Đội Xuyên, Hoàng Xá, Khu Mật kể lại thì xưa kia, nơi đây chỉ là một bãi sậy um tùm, rải rác một ít gò cao xen kẽ, dân cư ở thưa thớt nhưng có vị trí giao thông hết sức thuận lợi: có thể vào sông Châu, ra sông Hồng ngược lên Thăng Long hoặc xuôi ra biển. Do đó, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương đặt ở đây một kho lương thực với một đội quân thường xuyên canh gác để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285). Sau khi chiến thắng trở về, ngài cắm sinh phần, lấy dân ở đây làm tạo lệ, từ đó làng có tên là Trần Thương. Sử sách không ghi chép về kho lương thực của nhà Trần ở đây nhưng truyền thuyết dân gian cùng với những dấu tích đậm đặc quanh khu vực đền Trần Thương như mảnh gốm, sứ màu đen, men nâu, vàng ngà của bát đĩa vỡ có phong cách trang trí của nghệ thuật gồm thời Trần, nhiều vỏ chóe hoa than... đã củng cố thêm giả thuyết này.
Lễ hội phát lương đền Trần Thương được tổ chức từ năm 2010 nhằm bảo tồn nghi thức phát lương, tái hiện lịch sử về “Phát quân lương” khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ 3 (1288). Đến giờ Tý ngày 15 tháng Giêng (Tết Thượng Nguyên - rằm Nguyên Tiêu, còn gọi là ngày Vía của Phật Tổ) là tiến hành tế, lễ rồi “Xuất lương - Phát lộc” (Lộc Đức Thánh Trần). Bà con ở xa đến cúng lễ và công đức đều có “lương” ở đây mang về. Lễ hội năm nay, Ban tổ chức đã chuẩn bị 100.000 túi lương để phát tại 29 điểm vào đêm 14 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (tức đêm 13-2-2014), nhiều hơn năm trước 20.000 túi lương. Du khách tham dự lễ hội sẽ được nhận một chiếc túi nhỏ, ngoài ấn và thẻ, trong túi lương của Đức Thánh Trần còn có 3 loại hạt chủ lực trong sản xuất của vùng đất Lý Nhân đó là ngô đỏ, đậu tương và hạt thóc nếp cái hoa vàng- tượng trưng cho một mùa màng bội thu với lương thực, phúc lộc dồi dào.
THU AN