09:11, 11/11/2013

Kinh nghiệm quản lý tổng hợp

Tỉnh Batangas nằm dọc bờ Tây Nam đảo Luzon, Philippines, tiếp giáp 3 vịnh lớn là: Batangas, Balayan và Tayabas. Vịnh Batangas nằm phần phía Nam của tỉnh Batangas.

Tỉnh Batangas nằm dọc bờ Tây Nam đảo Luzon, Philippines, tiếp giáp 3 vịnh lớn là: Batangas, Balayan và Tayabas. Vịnh Batangas nằm phần phía Nam của tỉnh Batangas.


Tỉnh Batangas, đặc biệt là vùng vịnh Batangas được quy hoạch phát triển thành một trong những trung tâm công nghiệp và hàng hải của Philippines. Tại vịnh Batangas hiện có một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Hóa dầu và lọc dầu Pilipinas Shell, Tập đoàn Caltex Philippines, Tập đoàn Petron, Nhà máy Phát điện Kepckellco và Tập đoàn Khí số 1. Ngoài ra, vùng này còn có nhiều công ty hóa chất, luyện thép, dệt, xưởng đóng tàu và chế biến thực phẩm...


Vùng vịnh Batangas gồm 12 quận/huyện và 2 thành phố (Lipa, Batangas), tổng diện tích 1.274km2. Riêng vịnh Batangas khá sâu (466m), thuộc loại nửa kín, tổng diện tích 220km2, chiều dài bờ biển 90km. Cảng Batangas phát triển thành cảng quốc tế. Tuy là điểm trung chuyển hàng hải quan trọng nhưng vịnh Batangas còn là nơi diễn ra các hoạt động đánh bắt quy mô nhỏ và du lịch sinh thái.


Từ những năm 1990, Philippines đã định hướng phát triển vùng vịnh Batangas thành trung tâm công nghiệp, hàng hải và dịch vụ cảng. Tuy nhiên, các chiến lược ngăn ngừa giảm thiểu tác động của môi trường do tăng trưởng kinh tế rất được quan tâm. Điều này đã làm cho vùng vịnh Batangas trở thành điểm trình diễn lý tưởng về quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB). Các hoạt động ngăn ngừa ô nhiễm nước vùng vịnh rất cần thiết để ứng phó với các rủi ro môi trường đang hình thành và phát triển tại đây.

 

1
Sinh vật biển phong phú, đa dạng tại Anilao, Batangas


Việc khởi động Dự án QLTHĐB vùng vịnh Batangas khá thuận lợi khi chính quyền tỉnh Batangas chấp thuận khung QLTHĐB do Chương trình Khu vực về ngăn ngừa và quản lý ô nhiễm các biển Đông Á đề xuất. Batangas trở thành địa phương tiên phong thực hành QLTHĐB trong khu vực. QLTHĐB được đề xuất như một mô hình thực tiễn để triển khai các điều khoản của Bộ luật được chính quyền địa phương phê duyệt năm 1991. Sự phân quyền quy định trong Bộ luật đã được thực thi, cho phép các địa phương tự kiểm soát và giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có bảo vệ môi trường (BVMT). Hệ quả là nhiều chức năng của cơ quan Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN-MT) được chuyển giao cho Sở TN-MT các địa phương. Theo đó, các quận, huyện bắt đầu thành lập Phòng TN-MT. Đồng thời, trong thời gian này nhiều bên liên quan từ doanh nghiệp và cộng đồng đã tham gia tích cực các hoạt động ngăn ngừa ô nhiễm biển và quản lý tài nguyên biển. Quỹ Quản lý TN-MT Batangas thành lập đầu năm 1991 đã được Dự án QLTHĐB đặc biệt lưu ý vì mục tiêu, chức năng của Quỹ là tăng cường vai trò của khối tư nhân và chia sẻ trách nhiệm quản lý tài nguyên vịnh Batangas giữa các bên liên quan.


Dự án trình diễn QLTHĐB vùng vịnh Batangas được chính thức triển khai năm 1994. Một nhóm cán bộ nòng cốt được hình thành gồm đại diện một số cơ quan liên quan như: Phòng Quy hoạch thành phố và các quận/huyện; các sở Quy hoạch, Nông nghiệp, Y tế của tỉnh; sở, phòng TN-MT; lực lượng biên phòng và Quỹ Quản lý TN-MT Batangas. Chương trình Khu vực về ngăn ngừa và quản lý ô nhiễm các biển Đông Á lựa chọn và chỉ định Giám đốc Dự án (trong số cán bộ của tỉnh), chính quyền Batangas cử cán bộ tham gia Văn phòng Dự án.


Qua 14 năm, Batangas đã hoàn thành chu trình QLTHĐB thứ hai và đang ở chu trình 3. Trong chu trình đầu tiên, Dự án đã xây dựng Hồ sơ môi trường vùng vịnh Batangas, Kế hoạch chiến lược quản lý môi trường và Kế hoạch quản lý chất thải rắn. Đằng sau các sản phẩm trên là hoạt động thể chế hóa cơ cấu điều phối dự án: Ban Điều phối Dự án trở thành Hội đồng BVMT vùng vịnh Batangas. Cơ cấu này giúp cho nhiều quyết định và can thiệp quan trọng được phê chuẩn và hỗ trợ có hiệu quả việc triển khai kế hoạch hành động mang tính chiến lược của Dự án. Chu trình thứ hai tập trung vào việc xây dựng nền tảng của mối quan hệ hợp tác nhà nước và tư nhân nhằm tăng cường hoạt động đầu tư cho môi trường. Trong cả hai chu trình, các nỗ lực tập trung vào việc nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo địa phương về QLTHĐB vùng vịnh Batangas. Dự án tuy chưa đạt hết các mục tiêu kinh tế và sinh thái, song các nỗ lực huy động sự tham gia và hợp tác các bên liên quan trong vùng vịnh là to lớn và hiệu quả.


Thành công của Dự án áp dụng cho vùng vịnh Batangas là: Thể chế hóa công tác QLTHĐB; lồng ghép chính sách với chức năng của các cơ quan liên quan; khoa học hỗ trợ quản lý; công tác đầu tư cho môi trường; tăng cường nhận thức và tham gia của cộng đồng; quan trắc thay đổi môi trường và học cách hòa nhập. Vai trò cao nhất của Ban Điều phối Dự án chuyển đổi thành Hội đồng BVMT đặt vào Tỉnh trưởng và sau đó là Giám đốc Sở TN-MT. Hiện nay, Hội đồng đang được đề xuất đổi tên thành Hội đồng BVMT tổng hợp, điều này thể hiện sự thống nhất trong việc điều phối, phối hợp đa ngành, liên cơ quan trong hoạt động BVMT. Các chính sách được lồng ghép thông qua việc triển khai kế hoạch, quản lý phân vùng vịnh Batangas. Nhiều quyết định, quy định hỗ trợ việc thực hiện đề xuất của Dự án, các khoản ngân sách cũng được phân bổ hợp lý để triển khai có hiệu quả Dự án, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng. Dự án thu hút đông đảo lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật. Đặc biệt là Khoa Quy hoạch đô thị và vùng và Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines, các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy tại địa phương như: Đại học Tổng hợp De La Sale, Đại học Tổng hợp Batangas đóng góp cơ sở khoa học cho Dự án. Cộng tác Nhà nước - tư nhân trong hoạt động quản lý chất thải đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng được đặc biệt chú trọng. Người dân ven vùng vịnh tham gia tích cực vào chiến dịch làm sạch bãi biển, sinh viên, học sinh tham gia chiến dịch giám sát môi trường vùng vịnh Batangas. Ngoài ra, trang web của Dự án còn thu hút sự đóng góp và chia sẻ thông tin của cộng đồng. Hiện nay, địa phương đã hoàn toàn chủ động trong các hoạt động quan trắc và phân tích môi trường. Cũng thông qua việc học từ từ và học cách hòa nhập, chia sẻ trách nhiệm, các bên liên quan đã tiến những bước vững chắc trong việc đảm bảo lợi ích lâu dài từ việc quản lý tổng hợp vùng vịnh Batagas.


P.L