Nhiều người vẫn nghĩ, Nha Trang đang rất phát triển với loại hình vận tải du lịch (DL) cao cấp khi nhìn thấy những chiếc ca nô sang trọng đậu san sát ở Bến tàu DL Cầu Đá, Bến tàu khu DL Bảo Đại, bến Luồng… Nhưng thực ra, chủ nhân của những ca nô lại đầy tâm trạng…
Nhiều người vẫn nghĩ, Nha Trang đang rất phát triển với loại hình vận tải du lịch (DL) cao cấp khi nhìn thấy những chiếc ca nô sang trọng đậu san sát ở Bến tàu DL Cầu Đá, Bến tàu khu DL Bảo Đại, bến Luồng… Nhưng thực ra, chủ nhân của những ca nô lại đầy tâm trạng…
Thiếu kiểm soát
Ca nô đậu ở bến Luồng. |
Hiện nay, vẫn chưa biết trên vịnh Nha Trang có bao nhiêu phương tiện ca nô DL đang hoạt động. Một chủ tàu cho chúng tôi biết, hiện nay, trên vịnh Nha Trang có hơn 200 ca nô đang lưu hành dưới nhiều dạng. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Khoa - Trưởng phòng Quản lý Bến tàu DL Cầu Đá cho biết, hiện tại, số ca nô đăng ký là 35 chiếc. Còn ông Đinh Vĩnh Tiền - Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang lại khẳng định: Hiện nay, ca nô loại từ 5 chỗ đến 30 chỗ đăng ký tại Bến tàu DL Cầu Đá là 44 chiếc, các bến còn lại là 44 chiếc. Theo ông Phúc - quản lý bến tàu Khu DL Bảo Đại, hiện tại có khoảng hơn 20 chiếc... Trung tá Huỳnh Văn Cao - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy cho rằng: “Rất khó biết được số lượng, vì chúng tôi chỉ giám sát về mặt an toàn chứ không nắm số lượng”. Ông Ngô Vĩnh Chương - Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông vận tải cho biết, tính đến tháng 3-2013, số ca nô đăng ký hoạt động tại Khánh Hòa là 248 chiếc. Đây là một con số đầy bất ngờ... Những số liệu không thống nhất của các đơn vị quản lý cho thấy, sự phát triển của loại phương tiện này dường như đang thiếu sự kiểm soát.
Ca nô đậu ở bến Khu du lịch Bảo Đại. |
Theo một số chủ tàu, thực tế số tàu chuẩn bị đăng ký hoạt động còn rất nhiều, đó là chưa kể số phương tiện từ nơi khác tới. Trong khi đó, cũng có nhiều ca nô “chuyển khẩu” đi nơi khác hành nghề nhưng không báo cho các cơ quan chức năng...
Kinh doanh ế ẩm, chủ tàu lao đao
Bến cảng Cầu Đá đầy các tàu. |
Trong suy nghĩ của nhiều người, ca nô DL chỉ dành cho người giàu vì giá cả đắt đỏ. Nhưng nếu tính chi tiết, chi phí của nó chỉ cao hơn tàu gỗ một chút. Hiện nay, từ Bến tàu Cầu Đá tới Hồ cá Trí Nguyên, vé tàu gỗ trung bình theo giá niêm yết khoảng từ 20.000 đến 30.000 đồng/vé; nếu đi 4 đảo thì không quá 80.000 đồng/người. Trong khi đó, nếu thuê nguyên chiếc ca nô từ 9 đến 15 người thì giá chỉ từ 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Hành trình lại do khách chọn và đi đến 4 đảo trong vịnh, tính ra chỉ khoảng 100.000 đồng/người; đi quanh Hồ cá Trí Nguyên trong vòng 25 phút, giá cũng chỉ khoảng 350.000 đồng/chuyến. Rõ ràng, đi ca nô cao tốc không đắt, nhưng vì sao việc kinh doanh vẫn lao đao, ế ẩm so với tàu gỗ?
Ca nô đậu bến sông Cái. |
Anh Huyến, chủ 2 chiếc ca nô thương hiệu Tuấn Hưng cho biết, lượng khách đăng ký rất ít, ngay cả dịp cao điểm Tết Nguyên đán cũng chỉ được vài chuyến; bây giờ đã gần hè nhưng kinh doanh vẫn ế ẩm. Ông chủ đội tàu Tứ Hải cũng đang méo mặt vì vắng khách. Anh Chinh - chủ đội tàu Đông Chinh, có hơn 10 chiếc ca nô, nhưng hiện tại chỉ kinh doanh 3 chiếc vì quá ế. Là người “chinh chiến” trong lĩnh vực này hơn 10 năm, anh Chinh cho rằng, hiện nay, thật vất vả để tồn tại việc kinh doanh ca nô. Số ca nô nằm không ở bến Luồng thường xuyên từ 30 đến 50 chiếc. Nhiều ông chủ gặp khó tới mức chỉ mong bán được ca nô để thoát lỗ, nhưng để bán được mà vẫn bảo toàn vốn đầu tư là chuyện không tưởng, vì một chiếc ca nô mới tùy theo công suất và tải trọng có giá từ 400 đến 700 triệu đồng. Ngay cả tàu cũ tân trang, máy cũ cũng khoảng 200 triệu đồng. Một chủ tàu than: “Ca nô thì nổi nhưng chủ tàu sẽ chìm”.
Ca nô chạy trên sông Cái. |
Vẫn còn nghiệp dư
Cách đây hơn 10 năm, vịnh Nha Trang chỉ có khoảng 30 ca nô, chủ yếu của các doanh nghiệp lớn dùng để chuyên chở khách lưu trú của đơn vị. Tuy nhiên, nhận thấy lượng du khách đi thăm vịnh Nha Trang tăng liên tục, cộng với giá thành đầu tư ca nô không quá cao so với trước nên nhiều tư nhân mở ra kinh doanh dẫn đến bùng nổ về số lượng.
Một chủ tàu đang tân trang, sửa chữa ca nô của mình. |
Do tự phát và ngẫu hứng nên những người kinh doanh ca nô không lường hết những khó khăn. Có thể so sánh, kinh doanh tàu gỗ hoạt động như xe buýt, cứ tới bến mua vé rẻ lên tàu; còn ca nô lại như đi taxi, chỉ khác là không có tổng đài liên lạc, không có quảng bá. Nhiều chủ tàu cho biết, đã đăng ký niêm yết giá vé tại bến; nhưng thực tế, tại phòng bán vé và góc bến chỉ có lèo tèo vài tờ báo giá. Ông Đinh Vĩnh Tiền - Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, hiện nay, do diện tích bến tàu chật hẹp nên không tạo được điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh ca nô treo pano quảng cáo và niêm yết giá công khai tại bến.
Để tiếp cận được với khách hàng, các chủ ca nô phải thông qua khách sạn, nhà nghỉ và “cò”, từ đó hoàn toàn phụ thuộc vào “bộ máy trung gian” này. Vì phải qua trung gian nên giá đi ca nô đã bị đẩy lên rất cao. Ví dụ, một chuyến đi 4 đảo, “cò” làm giá với khách từ 3 đến 4 triệu đồng; nhưng thực tế, chủ tàu chỉ nhận được từ 1 đến 1,5 triệu đồng, số tiền chênh lệch sẽ phải trả cho “cò” hoặc khách sạn đặt hàng. Một chủ tàu bức xúc, bọn tôi bỏ vốn hàng trăm triệu đồng mua ca nô, chi phí một chuyến chạy 30 phút tốn hết 50 lít xăng, thuê tài, phí bến bãi (bến Luồng 300.000 đồng/tháng, bến Bảo Đại 700.000 đồng/tháng)… nhưng chỉ nhận mỗi chuyến không quá 1,5 triệu đồng và chỉ lãi được khoảng 300.000 đồng. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng có khách.
Những người kinh doanh ca nô mong muốn có bến riêng, nhưng điều đó là không tưởng, vì ngay cả bến chính Cầu Đá cũng không có chỗ cho ca nô đậu. Theo ông Trương Kỉnh - Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, hiện nay, bến Cầu Đá quá chật hẹp, trong bến lại có 3 “bến con” gồm: Bến dân sinh cho người dân ở đảo, bến Hải đội và bến DL nên khó bố trí bến riêng cho ca nô...
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chính các chủ tàu cũng không vì lợi ích chung để thành lập Hiệp hội Ca nô, lên lịch trình xuất bến luân phiên và quảng bá mạnh mẽ. Kiểu làm ăn đơn lẻ, mạnh ai nấy sống như thời gian qua sẽ chỉ làm cho họ càng khó khăn hơn.
Bài, ảnh: Lê Đức Dương