Với truyền thống lịch sử, văn hóa độc đáo cùng nhiều ưu đãi của thiên nhiên, vùng đất Khánh Sơn (Khánh Hòa) có nhiều tiềm năng du lịch cần được đánh thức.
Với truyền thống lịch sử, văn hóa độc đáo cùng nhiều ưu đãi của thiên nhiên, vùng đất Khánh Sơn (Khánh Hòa) có nhiều tiềm năng du lịch cần được đánh thức.
Ngày cuối tuần, Trần Tiến Hiếu, một người bạn rủ chúng tôi về thăm quê anh - Khánh Sơn. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về huyện miền núi này là bầu không khí mát dịu với sương mù vờn quanh đỉnh núi. Trên đường đến thị trấn Tô Hạp, những ruộng lúa nước, thửa nếp rẫy hạt đen như than mà đồng bào dân tộc nơi đây gọi là nếp quạ xen lẫn màu xanh những nương bắp, rẫy chuối. Dọc 2 bên đường là những căn nhà nhỏ của đồng bào dân tộc Raglai với lối sinh hoạt giản dị, mộc mạc. Những em bé Raglai nước da ngăm đen, ánh mắt xoe tròn hồn nhiên; những thiếu nữ Raglai với chiếc gùi trên lưng mải miết trỉa bắp, cắt lúa; những người già tư lự như tìm về miền ký ức xa xăm. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Hiếu tỏ ra tâm đắc: “Khánh Sơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Tiềm năng du lịch ở Khánh Sơn nếu được đánh thức đúng hướng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho huyện miền núi này”.
Địa điểm khám phá đầu tiên chúng tôi được anh bạn giới thiệu là danh thắng thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp). Thác Tà Gụ còn có tên là thác Ngà Voi Đá Đứng, bởi nó có hình dáng giống như chiếc ngà voi khổng lồ. Ngọn thác cao khoảng 40m, cắt dọc rừng xanh ngắt, thoai thoải uốn lượn, mài mòn từng phiến đá chênh vênh. Xung quanh thác là cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng. Ngọn thác này gắn liền với một câu chuyện dân gian đặc sắc của người Raglai. Năm 2009, thác Tà Gụ được UBND tỉnh cấp bằng công nhận danh thắng cấp tỉnh. Trên đường đến thác Tà Gụ, khách có thể trải nghiệm để khám phá cuộc sống của người Raglai nơi đây. Những ruộng mía tím, những vườn cây ăn trái với sầu riêng đã được công nhận thương hiệu độc quyền, măng cụt, chôm chôm, vú sữa... có hương vị độc đáo chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách. Không chỉ vậy, khách còn được thưởng thức bữa ăn dân dã bên thác với cơm lam, thịt gà nấu trong ống lồ ô.
Lễ ăn đầu lúa mới, nét văn hóa truyền thống của đồngbào Raglai. |
Không chỉ có thác Tà Gụ, Khánh Sơn còn có nhiều địa điểm hấp dẫn khác như: thác Dốc Quy, di chỉ khảo cổ học Dốc Gạo, căn cứ địa cách mạng Tô Hạp... Vùng đất này thu hút chúng tôi bởi nền văn hóa Raglai đậm đà bản sắc dân tộc với bộ đàn đá nổi tiếng được phát hiện vào năm 1979. Đêm đêm, bên ánh lửa bập bùng, trong hơi men Tapai (rượu cần), người già kể sử thi Akhà Duka cho con cháu nghe. Nam thanh nữ tú cùng nắm tay nhau đung đưa trong âm thanh mã la vang vọng núi rừng. Khúc hát A Lâu thiết tha, trữ tình xua tan những mệt mỏi, vất vả của một ngày lao động cực nhọc. Năm 2012, lễ bỏ mả của người Raglai ở Khánh Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều năm qua, lãnh đạo huyện đã cố gắng để đánh thức “nàng sơn nữ” này. Thế nhưng, đầu tư như thế nào để những tiềm năng đó phát huy hết giá trị xem ra vẫn là một bài toán khó. Nên chăng, Khánh Sơn cần sớm có một đề án phát triển du lịch - lễ hội, trong đó nêu rõ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như thế nào, những sản phẩm du lịch cụ thể Khánh Sơn cung cấp đến du khách là gì, hay giải pháp thu hút và giữ chân du khách... Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng của địa phương, qua đó kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Mới đây, có thông tin một vài doanh nghiệp du lịch qua khảo sát đã nhận thấy tiềm năng của vùng đất này nên có ý định đầu tư phát triển du lịch. Đây có thể xem là tín hiệu vui đối với Khánh Sơn. Hy vọng, trong tương lai không xa, Khánh Sơn sẽ trở thành địa chỉ du lịch ở vùng Tây Nam Khánh Hòa.
G.Đ