Hiện nay, các điểm dừng chân trên tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ ăn uống, hầu như chưa giới thiệu được với du khách các sản vật cũng như tiềm năng du lịch ở địa phương.
Hiện nay, các điểm dừng chân trên tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ ăn uống, hầu như chưa giới thiệu được với du khách các sản vật cũng như tiềm năng du lịch ở địa phương.
Vượt qua chặng đường hơn 130km từ Nha Trang lên Đà Lạt và ngược lại, khách du lịch luôn có nhu cầu dừng chân nghỉ ngơi cũng như tìm hiểu, khám phá những nét độc đáo, mới lạ của người dân địa phương. Vì vậy, tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng có nhiều lợi thế để phát triển các điểm dừng chân với nhiều loại hình dịch vụ cũng như giới thiệu sản phẩm du lịch.
Ngay sau khi tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng đi vào hoạt động, đã có nhiều cá nhân mở hàng quán, dịch vụ ăn uống, trong đó có những địa điểm được đầu tư tương đối lớn như: K.P, X.H, B.L... Tuy nhiên, đây chỉ đơn thuần là hoạt động tự phát nên mỗi điểm hoạt động dịch vụ một kiểu như: kinh doanh ăn uống, ăn uống và rửa xe, bán xăng dầu… Trong khi đó, các thông tin, sản phẩm phục vụ du lịch hầu như vắng bóng. Điều này khiến nhu cầu tìm hiểu thêm về địa phương của du khách, nhất là du khách nước ngoài bị hạn chế.
Ông Nguyễn Trung Anh - hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Ánh Dương (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Nhiều lần dẫn khách đi qua tuyến đường này và nghỉ chân ở một số điểm, tôi thấy sản phẩm phục vụ còn quá đơn giản, thiếu hẳn những sản vật địa phương; những món hàng lưu niệm, tờ gấp giới thiệu về du lịch địa phương hầu như cũng không có”. Bà Javia Cambiaso - du khách Italia lại tỏ ra tiếc rẻ: “Chúng tôi vừa từ TP. Đà Lạt đến Nha Trang. Trên đường đi, chúng tôi thấy khá nhiều người dân tộc thiểu số địa phương với những chiếc gùi trên lưng. Tôi hy vọng sẽ mua được một vài món hàng lưu niệm, hay có thể thưởng thức những món ăn địa phương, và tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến người dân nơi đây, nhưng thật tiếc là không có”.
Các điểm dừng chân dưới chân đèo Khánh Lê mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ ăn uống. |
Tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng có phong cảnh đẹp với núi non hùng vĩ, đường đèo quanh co uốn lượn, ẩn hiện trong mây núi sương rừng. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà của đồng bào Raglai, T’rin với lối sinh hoạt giản dị thực sự hấp dẫn du khách khi lần đầu đặt chân đến đây. Những sản vật địa phương như: măng rừng, sa nhân, các loại nông sản theo mùa... nếu biết cách chế biến sẽ là các món ngon, hấp dẫn du khách. Ngoài ra, nếu biết cách dàn dựng, khai thác, nét văn hóa, văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương cũng là một sản phẩm độc đáo phục vụ du lịch. Tại nhiều địa phương, điểm dừng chân là một tổ hợp các loại hình dịch vụ phục vụ du khách, nơi quảng bá hình ảnh về tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người địa phương đó. Thậm chí, nhiều điểm dừng chân còn là nơi vui chơi giải trí, điểm tham quan du lịch độc đáo. Ông P.V.H (chủ quán B.L) chia sẻ: “Khi thấy tuyến đường này được lưu thông, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội để đầu tư. Nhưng thú thực, để làm được một cách bài bản phải có vốn lớn, nếu đầu tư nhiều sợ khó thu hồi vốn. Vì vậy, chúng tôi quyết định đầu tư theo năng lực, thấy cái gì có lãi thì làm”.
Rõ ràng, hiện nay, các điểm dừng dưới chân đèo Khánh Lê còn nhiều hạn chế, mang tính tự phát và thiếu sự đầu tư đồng bộ. Việc thiếu định hướng trong xây dựng các điểm dừng chân ở nơi đây đã và đang lãng phí cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu, phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương. Không biết đến bao giờ, dưới chân đèo Khánh Lê mới có được điểm dừng chân đúng nghĩa khi nhu cầu du lịch giữa phố biển và phố núi ngày càng tăng cao, nhất là khi giữa tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã có sự liên kết trong phát triển du lịch.
Nhân Tâm