Thỉnh thoảng thèm ngọt, tôi ra quán chè đầu hẻm. Thôi thì đủ thứ: chè bà ba, chè bắp, chè chuối, chè hạt sen, đậu ván, đậu trắng…, thêm nước cốt dừa béo ngậy. Không chỉ ngon mà còn rẻ nên cứ ăn đã miệng thì thôi. Vậy mà, mỗi khi ăn, tôi lại nhớ quay quắt những món chè của má.
Thỉnh thoảng thèm ngọt, tôi ra quán chè đầu hẻm. Thôi thì đủ thứ: chè bà ba, chè bắp, chè chuối, chè hạt sen, đậu ván, đậu trắng…, thêm nước cốt dừa béo ngậy. Không chỉ ngon mà còn rẻ nên cứ ăn đã miệng thì thôi. Vậy mà, mỗi khi ăn, tôi lại nhớ quay quắt những món chè của má.
Trẻ con hay thèm ngọt, nhưng hồi đó nghèo nên chẳng bao giờ mơ ra quán ăn chè. Ba má cũng không có tiền mua bánh kẹo nên chúng tôi đành nhịn thèm.
Thương con, thỉnh thoảng, má đãi cả nhà những món chè rất đặc trưng. Đó là những món chè mà bây giờ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Mỗi khi nghe sắp được ăn chè, đứa nào cũng vui như sắp được đi chơi.
Đầu tiên là món chè đậu hũ (đậu phụ). Mỗi khi mua được đậu hũ theo tem phiếu, má dành lại 1, 2 miếng để… nấu chè. Món chè này nấu rất đơn giản. Má lấy chừng 1/3 nồi nước, nấu sôi lên rồi cho đậu hũ đã xắt thành từng miếng mỏng vào nồi, nấu thêm khoảng 5 phút cho đậu hũ chín thì nêm đường. Hồi đó đường trắng rất đắt nên má dùng đường đen, hay rẻ hơn nữa là mật mía má mua từ các lò đường ở quê trong những chuyến công tác. Với chúng tôi, đường đen hay trắng, thậm chí là mật mía… chẳng hề quan trọng, miễn sao ngọt là được. Để lửa liu riu trên bếp chừng 5 - 7 phút cho đường ngấm vào đậu hũ, má mới đổ thêm nước. Khi chè sôi lại, má cho thêm ít gừng giã nhỏ rồi tắt bếp. Vậy là xong món chè đậu hũ.
Mùa đông lạnh giá, không gì sướng bằng ngồi cạnh bếp, đưa tay đón chén chè từ tay má, rồi vừa thổi vừa xì xụp húp. Thỉnh thoảng, vớt một miệng đậu hũ mềm, ngọt lự cho vô miệng. Mùi gừng ngào ngạt, miếng đậu tan trong miệng, sao ngon thế! Cái lạnh giá bên ngoài biến đâu mất tiêu.
Mùa hè, má ngâm chè trong nước cho mát rồi mới ăn. Chè đậu hũ lạnh ngon chẳng kém gì chè nóng, nhất là vào những trưa hè oi ả.
Một thứ chè khác “không giống ai” mà má hay nấu là chè long tu (nha đam). Hồi đó, trên mảnh sân nhỏ trước nhà, má trồng hai dãy long tu trên lối đi. Má nói, long tu không chỉ làm cho cảnh sắc đẹp hơn mà còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, nào là làm đẹp da, chữa phỏng, thanh nhiệt cơ thể… Nhưng, long tu nấu chè thì hình như chỉ có má nghĩ ra.
Cách vài bữa, má ra vườn cắt chục lá long tu. Sau khi rửa sạch, lột bỏ lớp vỏ ngoài sẽ lộ ra lớp cơm dày trong suốt, mềm ướt. Má cắt long tu thành từng khúc nhỏ như đậu hũ, rồi cũng nấu nước sôi, thêm đường và gừng vào như chè đậu hũ… Nhưng khi ăn, vị chè long tu khác hẳn. Múc một muỗng chè, gồm ít nước cùng vài miếng long tu đưa lên miệng. Miếng long tu giòn giòn, sần sật, ngòn ngọt cùng mùi gừng phảng phất… gây cảm giác là lạ rất hấp dẫn. Cứ thế, hết miếng này đến miếng khác, chẳng mấy chốc, chén chè trơ đáy, lại đưa cho má: “Cho con chén nữa!”. Má đưa tay đón cái chén, ánh mắt như cười lấp lánh…
Sau này lớn lên, nhớ lại, chúng tôi mới hiểu một điều giản dị: Má đã cho các con một tuổi thơ bình dị nhưng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc từ những điều đơn sơ như thế.
Trần Thị Giao Thủy