11:08, 21/08/2018

Bánh căn mực ở chợ Chụt

Chụt, cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 5km về phía nam. Vậy mà, có nhiều người lớn lên ở Nha Trang không hình dung được Chụt ở đâu!

Chụt, cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 5km về phía nam. Vậy mà, có nhiều người lớn lên ở Nha Trang không hình dung được Chụt ở đâu!

 

Dễ hiểu thôi, Chụt là một làng chài nhỏ, nép mình bên một con đường lớn dọc biển nhộn nhịp xe đưa đón du khách đến các bến tàu để đi các đảo, tham quan Viện Hải dương học hay lướt qua nhanh đến khu vui chơi sang trọng Vinpearl… Chính việc lướt qua nhanh, không ghé lại như thế làm cho Chụt đã nhỏ bé càng thêm nhỏ bé.  


Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Viết Trung trong bài viết “Nha Trang xuống Chụt bao xa” cho rằng: “Thời Pháp thuộc, khi chính quyền thực dân tráng nhựa con đường ven bờ biển từ Tòa Sứ chạy thẳng xuống Cầu Đá (lúc đó có tên là Avenue de la Plage), họ đã đặt trụ cây số và khắc lên đó chữ CHUTT. Theo đó, các hàng quán nằm hai bên đường xóm Chụt có lẽ muốn Tây hóa nên đều ghi địa chỉ trên bảng hiệu là Chutt. Và chữ Chutt dần dần ăn sâu trong cách viết, cách nói của người địa phương, cho tới bây giờ, nhiều người vẫn tin chắc đó là tiếng Pháp… Thực ra, trong tiếng Pháp không có từ Chutt mà chỉ có Chut - một thán từ có nghĩa là “im, làm thinh”, hoặc từ Chute nghĩa là “rơi, rớt, sụp đổ”...


Sách “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của xuất bản tại Sài Gòn năm 1895, một trong những quyển tự điển cổ về tiếng Việt Nam bộ, giải thích như sau: Chụt: vũng nhỏ ở dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió…


“Chụt Nha Trang” là “Chỗ núp gió ở tại Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa”.


Như vậy đã rõ: Chụt không phải là tên người Pháp đặt cho một xóm nhỏ của phường Vĩnh Nguyên mà là một trong những nơi neo đậu ghe thuyền tránh gió bão ở Nha Trang.

 

 

Ngược dòng thời gian, nghe lại câu chuyện từ một người già ở Chụt: “Theo gia phả, năm đó, vào khoảng tháng Mười, ông Nguyễn Văn Huy, người Quảng Ngãi, là dân đánh lưới bị gió bão đánh dạt ghe vào bãi cát bây giờ là Cầu Đá, dưới chân núi Cảnh Long. Ba người che chòi, câu cá, uống nước suối cầm cự qua ngày. Hồi đó hòn núi lớn lắm, có những dòng suối lớn chảy len lỏi trên sườn núi, rừng hoang vu, cọp beo đầy rẫy, khó hy vọng tìm được đường trở về quê quán. Từ dòng suối Cây Xoài, các ông mới đi lần vô, men theo chân núi, theo gành, càng vô trong thấy càng êm, liền dựng trại ở lại. Ở làng này từ đó đến giờ đâu có nước ngọt, cửa mà, nước xạ hai thôi. Hàng ngày các ông đi lấy nước ngọt ở đồi cát Phước Hải. Sau đi lần vô nữa rồi bắt đầu lập làng, xây dựng đình làng thờ ông Nam Hải”.


Không như ngày xưa, xuống đến Chụt gần như đường cụt bởi đi thêm một chút qua Lầu Bảo Đại, Viện Hải Dương học, Cầu Đá là hết. Giờ đây con đường qua núi Cảnh Long hay còn gọi là núi Chụt vòng qua Cửa Bé đã khiến hai làng ngày xưa “gần nhà xa ngõ” là Chụt (Trường Tây) và Cửa Bé (Trường Đông) xích lại gần nhau hơn.


Nói về bánh căn ở Nha Trang, tôi có hơi chủ quan khi cho rằng, bất cứ ai sinh ra và lớn lên ở Khánh Hòa đều thích ăn món bánh bột nướng này, đặc biệt là trẻ con. Chính việc mê bánh căn từ nhỏ cho đến lớn nên người Nha Trang xa nhà, món đầu tiên tơ tưởng là bánh căn quê mình.


Thú vị nữa, cái phân biệt vùng miền qua món bánh căn (hay các món bánh ăn với nước mắm ớt tỏi) còn ở chỗ, tại Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh người ta ăn với mỡ hành, ra đến Ninh Hòa bánh căn phải ăn với mỡ hẹ mới đúng điệu.


Ở Nha Trang, ra ngõ là gặp bánh căn. Nhiều người thích bánh căn “truyền thống” chỉ có bột hay trứng. Tuy nhiên, từ hồi tôi còn rất bé, khoảng năm mươi năm trước mẹ tôi đã từng đúc bánh căn với thịt bò cho cả nhà ăn rồi. Lớn lên, đi nhiều nơi, tôi phát hiện bánh căn mực thú vị không kém. Và tôi tự chấm điểm tích lũy từ cái tính hay ăn vặt của mình qua nhiều năm tháng lang thang ở các làng chài trong tỉnh: chỉ có bánh căn mực ở chợ Chụt là ngon nhất.


Cái ngon ở đây không chỉ vì nó ngon theo khẩu vị của tôi mà còn bởi ấn tượng về một ngôi chợ nhỏ sát biển, thưởng thức từ mực thật tươi vừa đánh bắt đem lên.


Thật tình, trong cách chấm điểm này tôi có hơi thiên vị cho Chụt bởi Cửa Bé cũng gần nhưng không sát biển như Chụt. Cái cảm giác ngồi ăn đĩa bánh căn, có tiếng sóng biển vỗ nhẹ, nghe những người phụ nữ lào rào chuyện cá tôm, thấy cảnh cá về trên bến, mùa nào sản vật ấy; chứng kiến những người phụ nữ chăm chút phơi từng con mực ướp muối ớt… Đủ thấy bánh căn mực ở chợ Chụt hơn hẳn các nơi khác rồi!
Mực đúc bánh căn ngon là mực con nhỏ bằng lóng ngón tay. Mực tươi, ngọt, mềm, nước mắm ớt tỏi, mỡ hành. Chợ có bốn hàng bánh căn và chỉ bán buổi sáng. Vào ngày rằm hay mùng một, những hàng bánh căn ở đây có nước tương ăn với bánh căn cũng rất độc đáo. Tôi bảo đảm món bánh căn mực ở đây bao ngon, ăn không biết chán. Và, tôi cũng bảo đảm, no bụng bánh căn, chắc chắn khách sẽ nhân tiện tham quan chợ Chụt và mua hải sản tươi hay chế biến sẵn, hay hải sản khô. Giá mềm, chất lượng và quan trọng là tươi, ngon!


Khách cũng có thể đi vòng ra phía sau ngắm một góc khác của biển Nha Trang. Dãy nhà chồ ở đây sẽ làm khách ngạc nhiên và chắc chắn không ngăn nổi bước chân tò mò khám phá một điều thú vị khác nữa của Chụt!


BÌNH AN