10:02, 26/03/2024

Phòng ngừa tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Vậy, mức độ tăng huyết áp nào thì sẽ có nguy cơ gây biến chứng?

 

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Hữu Nghị, Trưởng khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, tăng huyết áp được chuẩn đoán khi kết quả đo chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Tăng huyết áp ở người chia làm 3 cấp độ. Tăng huyết áp cấp độ 1 là khi chỉ số huyết áp tâm thu ở mức 140-159mmHg, huyết áp tâm trương ở mức 90-99mmHg. Tăng huyết áp cấp độ 1 ít biểu hiện, không gây biến chứng, chưa gây tổn thương nhiều đến mạch máu cũng như các cơ quan nội tạng khác.

Tăng huyết áp cấp độ 2 xảy ra khi huyết áp tâm thu khoảng 160-179mmHg và huyết áp tâm trương ở mức 100-109mmHg. Ở giai đoạn này gây xơ vữa động mạch, phì đại tâm thất trái... và việc điều trị bằng thuốc hạ huyết áp gần như là bắt buộc để đưa huyết áp trở về trị số sinh lý ổn định.

Tăng huyết áp cấp độ 3 xảy ra khi chỉ số huyết áp tâm thu đo được vượt ngưỡng 180mmHg và trên 110mmHg đối với huyết áp tâm trương. Cấp độ 3 rất nguy hiểm, khiến mạch máu và các cơ quan nội tạng bị tổn thương nghiêm trọng: Tắc động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy thận...

Ngoài ra, còn có tăng huyết áp tâm thu đơn độc khi huyết áp tâm trương <90mmHg, huyết áp tâm thu >140mmHg và tăng huyết áp tâm trương đơn độc khi huyết áp tâm thu <140mmHg, huyết áp tâm trương > 90mmHg. Các tình trạng này thường lành tính.

Để ngăn ngừa sự tiến triển và điều trị bệnh tăng huyết áp, bác sĩ Đỗ Hữu Nghị khuyến nghị, bệnh nhân cần giảm ăn mặn, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi. Hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc. Thường xuyên tập thể dục, đi bộ khoảng 30-60 phút mỗi ngày. Nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo âu, căng thẳng. Ngoài ra, người bệnh tăng huyết áp cần sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo hanoimoi.vn