12:08, 20/04/2023

Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Rối loạn tiền đình là bệnh lý khá thường gặp, tuy không phải là một cấp cứu nội khoa nhưng những trường hợp nặng, khởi bệnh cấp tính có ảnh hưởng nhiều tới khả năng lao động và tâm lý người bệnh.

Trong các biểu hiện thì chóng mặt là biểu hiện hay gặp và là lý do chính làm người bệnh nhập viện.

1. Tổng quan về rối loạn tiền đình

Cơ quan tiền đình là một trong các cơ quan tham gia vào giữ thăng bằng cho cơ thể. Tiền đình thuộc hệ thần kinh, nằm sau hai bên ốc tai với nhiệm vụ chính là duy trì tư thế, điệu bộ, phối hợp cử động đầu, mắt và thân mình. Khi cơ thể thực hiện bất kỳ động tác gì thì tiền đình cũng sẽ nghiêng lắc theo để giúp cơ thể giữ được thăng bằng.

Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não. Điều này khiến cho tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, cơ thể loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng, ù tai, buồn nôn… Những triệu chứng này lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh.

Rối loạn tiền đình được gọi là hội chứng gồm 2 loại:

- Loại rối loạn tiền đình ngoại biên: Là tình trạng được gây ra do tổn thương tai trong, dây thần kinh tiền đình hoặc có bệnh lý tắc mạch máu vùng sau cổ. Khi ấy, người bệnh sẽ thường bị chóng mặt khi thay đổi tư thế nhưng vẫn khá tỉnh táo khi di chuyển.

- Loại rối loạn tiền đình trung ương: Là hội chứng do nhân tiền đình, đường dây liên hệ của nhân dây tiền đình tiểu não và thân não bị thương. Người bệnh thường cảm thấy sa sầm mặt mày, khó đi lại hoặc choáng váng khi tư thế thay đổi...

 

Rối loạn tiền đình hay gặp ở người cao tuổi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

 

2. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình

Hiện nay các nhà khoa học chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây rối loạn tiền đình nhưng nhiều tác giả đồng thuận các yếu tố nguy cơ có thể là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus ở tai.

Hoặc các rối loạn tuần hoàn máu tác động đến não hoặc tai; Các chấn thương ở đầu chính là tác nhân gây nên hội chứng này.

Ngoài ra, những yếu tố sau cũng được xem là tăng nguy cơ gây rối loạn tiền đình như:

- Tuổi tác: người cao tuổi thường dễ mắc cảm giác mất thăng bằng hoặc các bệnh lý gây ra hiện tượng chóng mặt.

- Tiền sử bị chóng mặt: những ai trước đây từng bị chóng mặt thì cũng có nhiều khả năng tương lai sẽ tái diễn tình trạng này.

3. Biểu hiện của rối loạn tiền đình

Các biểu hiện đặc trưng của rối loạn tiền đình

- Biểu hiện chóng mặt: người bệnh mắc rối loạn tiền đình có cảm giác như bị chao đảo, quay cuồng, khó khăn trong việc đứng lên ngồi xuống, thậm chí có người không thể đứng lên được. Lý do gây nên điều này là dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương hoặc hệ thần kinh của não bộ bị chèn ép. Đa phần các trường hợp sau khi được nghỉ ngơi thì các dấu hiệu trên cũng chấm dứt.

 

Khi có biểu hiện thường xuyên chóng mặt, mất ngủ,... cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

 

- Mất thăng bằng: Người bệnh chóng mặt nên sẽ mất thăng bằng, khi đi lại khó khăn, luôn cảm thấy lâng lâng. Nhiều lúc muốn di chuyển được phải bám víu vào người hoặc vật khác mới được. Nguyên nhân gây nên tình trạng ấy là do sự tắc nghẽn tiểu não, toàn bộ tiền đình, mắt và ngoại tháp mà ra.

- Mất ngủ, có vấn đề về tâm lý hoặc nhận thức: Người bệnh rối loạn tiền đình khó tập trung, lo lắng quá mức, giảm khả năng chú ý: đầu óc người bệnh thường trong trạng thái lâng lâng, mơ hồ, hay bị mất tập trung và có cảm giác sợ ngã.

Ngoài ra còn có thể hoa mắt, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng, ù tai… tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, buồn nôn, nôn, tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp. Ở một số trường hợp, người bệnh còn bị run rẩy, tê chân tay, đau đầu,...

4. Điều trị rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình về cơ bản là một hội chứng vì vậy tùy vào nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giảm các triệu chứng của bệnh. Các thuốc có thể được sử dụng bao gồm: Thuốc làm giảm chóng mặt, buồn nôn; Thuốc tăng tuần hoàn máu não; Thuốc ức chế canxi giãn mạch não; Thuốc làm tăng chuyển hóa tế bào thần kinh; Thuốc hỗ trợ tăng tuần hoàn máu não … Các thuốc này sẽ được các bác sĩ kê đơn và cân nhắc liệu trình. Vì vậy, không nên tự ý mua dùng vì có nhiều loại thuốc gây tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nếu người bệnh có tiền sử mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh về xơ vữa mạch,… phải điều trị tốt tất cả các nguyên nhân có thể dẫn đến chóng mặt, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, người bệnh cần thường xuyên tập bài phục hồi chức năng tiền đình.

5. Lời khuyên thầy thuốc

Rối loạn tiền đình không gây ra nguy hiểm tính mạng cho người bệnh nhưng khi không được điều trị kịp thời, có thể để lại hệ lụy về sức khỏe, tác động đến diễn tiến của nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, khi có biểu hiện người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị cụ thể.

Cần nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng và đủ liều theo đơn thuốc bác sĩ kê. Các loại thuốc và liều lượng sử dụng của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc và quá trình kiểm tra, xét nghiệm lâm sàng xác định nguyên nhân … Vì vậy, không điều trị theo mách bảo.

Người bệnh cần tập các bài tập phục hồi chức năng tiền đình nhằm giúp tăng cường hoạt động phối hợp các bộ phận của cơ thể, giúp não nhận biết tín hiệu và xử lý các tín hiệu từ tiền đình thông suốt, nhịp nhàng hơn.

Ngoài ra, cần cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau, củ, quả; hạn chế các đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhiều dầu mỡ… Khi có biểu hiện bất thường như chóng mặt, run rẩy chân tay; chao đảo, dễ té ngã; nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường...  cần đến gặp bác sĩ ngay để tránh nguy hại cho sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Theo Sức khỏe & Đời sống