Đại dương không chỉ có các loài động vật mà còn có nhiều loài rong biển đa dạng sắc màu. Với công nghệ hiện đại, Viện Hải dương học đã lưu giữ và tạo thành bộ sưu tập tranh rong biển sinh động lớn nhất Việt Nam.
Đại dương không chỉ có các loài động vật mà còn có nhiều loài rong biển đa dạng sắc màu. Với công nghệ hiện đại, Viện Hải dương học đã lưu giữ và tạo thành bộ sưu tập tranh rong biển sinh động lớn nhất Việt Nam.
Bộ tranh đại dương ấn tượng
Bước vào Khu trưng bày đa dạng sinh học mới xây dựng của Viện Hải dương học, nhiều du khách thích thú khi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng bộ sưu tập “Sắc màu đại dương” bao gồm 70 bức tranh lớn nhỏ, giới thiệu về các loài mẫu vật rong biển của ba ngành rong đỏ, rong lục và rong nâu. Cách sắp đặt trong mỗi bức tranh tạo cho du khách cảm giác như đang dạo trong khu trưng bày các bức tranh nghệ thuật. Trong đó, bức tranh cá mao tiên có kích thước lớn (160 x 60cm) được làm từ nhiều loại rong biển khác nhau nằm ở vị trí trung tâm thu hút sự chú ý của mọi người. Cạnh đó, bức tranh khổ đứng với chiều cao 160cm, chiều rộng 60cm được chế tác từ 35 loài rong biển như lát cắt sống động của những loài thực vật bậc thấp ít được biết. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mà bộ sưu tập mang lại, ông Trần Đại La - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi không nghĩ các loài rong biển qua tay các nhà khoa học lại thành những bức tranh đẹp và sống động đến thế. Bộ sưu tập đã cho khách tham quan thấy được sự đa dạng của rong biển ven bờ Việt Nam”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vỵ - Trưởng phòng Thực vật biển, Viện Hải dương học, rong biển Việt Nam có gần 850 loài đã được định danh. Hầu hết các loài được lưu trữ tại Phòng Thực vật biển với các điều kiện khắt khe về độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng. Điều này khiến cho khách du lịch không thể tiếp cận và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của chúng. Với mong muốn để mọi du khách thấy được vẻ đẹp phong phú của đáy đại dương, đội ngũ cán bộ Phòng Thực vật biển đã tìm hiểu và thử nghiệm nhiều cách thức trưng bày mẫu vật rong biển để không làm tổn hại đến màu sắc, hình dáng tự nhiên của chúng. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, cán bộ của phòng đã tìm được kỹ thuật tối ưu. Kỹ thuật này dựa trên độ trong suốt của keo bảo quản chuyên dụng bảo vệ được màu sắc tự nhiên tương tự như rong sống ngoài biển, đồng thời kết hợp ánh sáng trắng của đèn led trên nền màu đen làm cho màu sắc của rong biển càng nổi bật.
Thật lắm công phu
Trước đây, để lưu giữ và trưng bày các mẫu rong biển, cán bộ Phòng Thực vật biển đã sử dụng nhiều cách khác nhau như ép trên giấy, ép bằng nhiệt, ép bằng kính nhựa. Tuy nhiên, các cách làm này đều có hạn chế là không giữ được màu tự nhiên của rong biển và không làm được với các loại rong thân dày. Tài liệu nghiên cứu trong nước về vấn đề lưu mẫu rong biển giống với tự nhiên hầu như không có. Trong khi đó, đầu năm 2022, phòng được giao nhiệm vụ trong vòng 3 tháng phải hoàn thành bộ sưu tập tranh rong biển để trưng bày kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Hải dương học. Rất may, trong một lần tham khảo cách lưu mẫu trên mạng, cán bộ Phòng Thực vật biển đã tìm ra loại keo chuyên dụng dùng để khóa mẫu hiệu quả. Tuy đã tìm ra cách thức nhưng khi thực hiện trên mẫu cũng vô cùng khó khăn.
Thạc sĩ Nguyễn Nhật Như Thủy, người trực tiếp làm các bức tranh chia sẻ: “Khó khăn gặp phải không chỉ là tìm khuôn, tỷ lệ pha keo phù hợp, mà rong có độ nhớt và có không khí trong thân nên khi gặp keo sẽ xuất hiện các hạt khí nhỏ. Nếu không biết cách xử lý bọt khí này thì toàn bộ bức tranh sẽ hư hại ngay. Ngoài kiến thức, kỹ năng, nó đòi hỏi người làm phải tỉ mẩn, chịu khó và đặc biệt là phải có mắt nghệ thuật. Trong khi chúng tôi là những nhà nghiên cứu khoa học thuần tuý nên đây là yếu tố vô cùng khó khăn. Để đưa đến những bức tranh rong đẹp nhất, chúng tôi dựa vào hình dáng của từng loài và sắp đặt theo trí tưởng tượng, làm thế nào để phô diễn hết vẻ đẹp của chúng. Chúng tôi tin rằng, khi mình dồn hết tâm huyết thì sẽ thổi hồn được vào tranh. Và may mắn là chúng tôi đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khách tham quan”.
Kể về ấn tượng khó quên khi làm bức tranh cá mao tiên, cử nhân Nguyễn Thị Xuân Thúy cho biết, đây là bức tranh cán bộ của phòng “lao lực” nhất, từ lúc lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành mất gần 2 tháng. Để hình ảnh cá mao tiên sống động như thật, cán bộ phòng phải lựa chọn hàng chục loài rong biển với nhiều màu sắc khác nhau. Sau đó, dựa vào từng chi tiết một của bức tranh, tỉ mỉ cắt ra hàng ngàn mẫu nhỏ. “Để tạo hiệu ứng 3D, chúng tôi phải đúc trên 5 lớp keo. Do bức tranh có kích thước lớn, để lớp keo khô kịp trong ngày, từ 6 giờ, chúng tôi đã bắt đầu làm đến 19 giờ mới kết thúc. Thêm cái khó, mỗi lớp keo là lát cắt ngang của bức tranh, vì thế khi sắp đặt các mẫu rong lớp kế tiếp phải canh thật chuẩn để các mẫu của 2 lớp không bị lệch nhau. Đồng thời, phải cử người theo dõi thường xuyên để kịp thời xử lý các bọt khí của bức tranh” - chị Thúy kể.
Để có được bộ sưu tập rong đa dạng sắc màu, cán bộ Phòng Thực vật biển đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát tại các vùng biển khác nhau. Có những loại rong, nhất là rong đỏ phải lặn ở độ sâu 25m dưới biển mới lấy được và cũng có những loại rong cực kỳ quý hiếm. Nhờ sự vất vả đó đã tạo nên bộ sưu tập “Sắc màu đại dương” đặc sắc để giới thiệu cho du khách về sự đa dạng của các loài rong biển.
DUNG LY