Nghề làm giá đỗ sạch đã có từ lâu đời, giúp tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình ở thị xã Ninh Hòa. Thế nhưng, do tác động của dịch Covid-19, ngày càng ít hộ gắn bó với nghề.
Nghề làm giá đỗ sạch đã có từ lâu đời, giúp tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình ở thị xã Ninh Hòa. Thế nhưng, do tác động của dịch Covid-19, ngày càng ít hộ gắn bó với nghề.
Nghề nhọc nhằn
1 giờ sáng, khá nhiều hộ gia đình tại tổ dân phố 12, phường Ninh Hiệp đã sáng đèn để thu hoạch giá đỗ. Bà Nguyễn Thị Bảy cùng con gái Phạm Thị Vân cũng thức dậy bắt đầu thu hoạch giá để giao cho bạn hàng và kịp đem ra chợ bán. Đôi tay thoăn thoắt nhổ từng cây giá trắng, dài ra khỏi lớp cát, bà Vân chia sẻ: “Gia đình tôi gắn bó với nghề làm giá đỗ đã 60 năm. Năm 1990, tôi bắt đầu tiếp quản nghề này của mẹ, đến nay cũng đã làm được hơn 20 năm”.
Đến 4 giờ, gia đình bà Vân thu hoạch xong giá đỗ và phân chia, cân lên để bạn hàng ghé lấy. Có 2 loại giá: Giá ướt là giá được đem rửa sạch cát giao cho các cửa hàng bán bún, phở sử dụng, bán với giá 12.000 đồng/kg; còn giá khô không rửa qua nước nên để được lâu hơn, bán cho các tiểu thương với giá 10.000 đồng/kg hoặc đem ra chợ bán lẻ. Khi việc thu hoạch và giao hàng xong xuôi, bà Vân lại gieo trồng đợt giá đỗ mới để thu hoạch trong những ngày tới. Được biết, trừ các chi phí, mỗi ngày, gia đình bà Vân thu lời khoảng 500.000 đồng từ nghề làm giá đỗ.
Bà Trần Thị Liên (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình) có hơn 40 năm làm nghề giá đỗ cho biết, để giá đạt chuẩn, trước tiên phải chọn loại đậu xanh có chất lượng tốt, loại bỏ những hạt xấu, lép, non. Sau đó đem rửa, ngâm trong nước ấm khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi gieo vào các lu đúc bằng xi măng có đường kính 1m, cao 50cm để ủ giá. Đậu được gieo với tỷ lệ 1 lớp đậu, 1 lớp cát. Cát dùng để trồng giá được người dân mua ở vùng biển Ninh Diêm và được sàng loại bỏ rác, sỏi để lấy cát mịn ủ giá. Cát ủ chỉ sử dụng 1 lần, nếu sử dụng lần 2 đậu sẽ không nảy mầm. Điều đặc biệt, trong thời gian ủ không được để giá gặp gió và ánh sáng, nếu không giá sẽ bị xanh. Do vậy, hầu hết các hộ trồng giá ở Ninh Hòa đều sử dụng lá chuối hoặc lưới lan để phủ đậy trên bề mặt lu ủ giá. Ngoài ra, nước càng sạch đậu càng dễ nảy mầm… Nếu làm đúng cách, 1kg đậu xanh làm ra được 7-8kg giá và sau 3 ngày chăm sóc có thể thu hoạch.
Khó khăn vì dịch Covid-19
Trên thị trường hiện nay còn có loại giá sử dụng thuốc để ủ, rễ khá ngắn, cọng giá mập, có mùi hơi nồng, sau khi thu hoạch sẽ để được 2-3 ngày. Còn giá sạch, vì chỉ có nguyên liệu cát và đậu nên cây khi mọc sẽ dài, mảnh, rễ dài, giá mua về chỉ sử dụng trong ngày, nếu để sang hôm sau sẽ bị hư ngay. Khi ăn, giá rất giòn và có vị ngọt thanh nên được nhiều người ưa chuộng.
Tuy vậy, hầu hết các hộ trồng giá đỗ sạch ở Ninh Hòa đều phải thu nhỏ quy mô, một số hộ bỏ nghề chuyển sang công việc khác. Bà Phạm Thị Vân cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc buôn bán gặp nhiều khó khăn. Trước dịch, làm ăn tốt, mỗi ngày bán được khoảng 1 tạ giá đỗ, bà có thuê thêm vài người phụ việc, khách hàng đa số là các hàng bún, tiểu thương ở chợ. Còn bây giờ, khách quen nghỉ bán; dịch bệnh, bà không thể giao hàng cho những khách ở xa, bị mất mối, nên mỗi ngày chỉ bán được 50kg giá.
Gia đình ông Nguyễn Pho (tổ dân phố 12, phường Ninh Hiệp) cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất giá đỗ. Trước đây, ông có 20 lu ủ giá, giờ chỉ còn 10 lu. Còn bà Nguyễn Thị Âu (tổ dân phố 12, phường Ninh Hiệp) chia sẻ: “Một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh, một phần do hiện nay giá đỗ ủ bằng thuốc có giá chỉ 8.000 đồng/kg nên giá sạch không thể cạnh tranh lại”. Được biết, trước đây, nghề làm giá đỗ đem lại cho gia đình bà Âu thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng, hiện nay chỉ khoảng 15 triệu/tháng.
Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Hiệp cho biết, nghề làm giá sạch tại phường Ninh Hiệp đã có từ lâu đời, các nguyên liệu sử dụng đều từ tự nhiên nên đảm bảo về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Trước đây, tại địa phương có khoảng 30 hộ làm giá sạch, nhưng hiện nay chỉ còn 11 hộ bám trụ với nghề. Do dịch bệnh và thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng nên có nhiều hộ bỏ nghề, một số hộ còn giữ nghề thì thu hẹp quy mô sản xuất. Thời gian qua, địa phương đã hỗ trợ cho 7 hộ vay vốn đầu tư sản xuất, nhưng nguồn lực ít nên nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế. Do vậy, rất mong các cấp, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ về vốn, thị trường tiêu thụ để các hộ dân phát triển nghề làm giá sạch.
THỤC QUYÊN