10:03, 09/03/2022

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng

Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, phải tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất để không bị thua lỗ. 
 

Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, phải tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất để không bị thua lỗ. 
 
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã 10 lần điều chỉnh tăng, lần gần nhất vào cuối tháng 2-2022 với mức tăng trung bình từ 200 đồng đến 300 đồng/kg. Theo đó, mỗi bao cám hỗn hợp loại 25kg tăng từ 6.000 đồng đến 7.500 đồng, bắp hạt tăng 1.000 đồng/kg so với năm 2021. Hiện nay, giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt dao động khoảng 12.500 đồng đến gần 13.000 đồng/kg; giá thức ăn hỗn hợp cho heo thịt khoảng 12.300 đồng/kg...

 

Người dân mua thức ăn chăn nuôi tại đại lý Kim Toản.
Người dân mua thức ăn chăn nuôi tại đại lý Kim Toản.
 
Theo những người chăn nuôi, mức tăng như hiện nay là quá cao trong bối cảnh giá gà thịt không tăng, heo hơi đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm nhẹ so với sau Tết Nguyên đán. Như vậy, bên cạnh phải đối mặt với tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng, nguy cơ thua lỗ, khó có thể tăng đàn.
 
Ông Đỗ Minh Hiến - thôn Hòa Gio 7, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh cho biết, hiện nay, gia đình ông nuôi 4.000 con gà thịt. Cách đây hơn 1 tuần, ông nhận được thông báo của công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi điều chỉnh tăng giá thức ăn lên 10.000 đồng/bao loại 25kg. Với giá hiện nay, trung bình 1.000 con gà chi phí thức ăn hết khoảng 1,2 triệu đồng/ngày, tăng 300.000 đồng/ngày so với giữa năm 2021. Như vậy, 4.000 con gà, mỗi tháng, chi phí thức ăn tăng thêm 36 triệu đồng. Trong khi đó, gà thịt nuôi trong vòng 4 tháng hiện có giá khoảng 65.000 đồng/kg, không tăng so với trước. Để không bị thua lỗ, ông Hiến đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất như: Kiểm soát tốt dịch bệnh; đầu tư hệ thống trang thiết bị nuôi tự động nhằm giảm chi phí nhân công chăm sóc; tìm kiếm khách hàng (nhà hàng, khách sạn, quán ăn…) bán sản phẩm trực tiếp không qua thương lái. Ngoài ra, ông còn đầu tư hệ thống lò mổ gà nhằm sơ chế sản phẩm, tạo thuận lợi cho khách có nhu cầu. “Trước đây, trên địa bàn xã có khá nhiều hộ nuôi với quy mô vừa và nhỏ nhưng do không có lãi nên hơn 95% hộ đã nghỉ. Dự báo, giá thức ăn sẽ còn tiếp tục tăng nên tôi chưa có ý định tăng đàn” - ông Hiến nói. 
 
Theo những người chăn nuôi heo, giá thức ăn cho heo tăng 300 đồng/kg là quá cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của người chăn nuôi. Theo tính toán, mỗi con heo từ khi nuôi cho đến khi xuất chuồng ăn hết khoảng 12 bao cám loại 25kg (hiện 1kg cám có giá hơn 12.000 đồng). Như vậy, mỗi con heo xuất chuồng trên 1 tạ, nuôi trong vòng 3 - 4 tháng, riêng chi phí tiền cám đã mất từ 3,4 triệu đồng đến 3,6 triệu đồng chưa kể rất nhiều chi phí khác. Trong khi đó, giá heo hơi không tăng, dịch bệnh trên đàn heo xảy ra liên tục, khiến người chăn nuôi rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
 
Không chỉ người chăn nuôi, các đơn vị kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng. Ông Hồ Kim Toản - chủ đại lý thức ăn chăn nuôi Kim Toản, đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang cho biết: “Hơn 30 năm trong nghề kinh doanh thức ăn chăn nuôi, đây là lần đầu tiên tôi thấy giá tăng cao và liên tục như vậy. Với mức giá như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ khó trụ vững, chỉ có những doanh nghiệp, tập đoàn lớn chăn nuôi khép kín theo chuỗi từ con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ ra thị trường mới có thể tiếp tục bám trụ. Hiện nay, khách hàng mua thức ăn của cửa hàng giảm đến 70%. Vì vậy, tôi cũng chỉ nhập hàng cầm chừng để duy trì công việc. Riêng những hộ thuê mặt bằng kinh doanh, với việc khách hàng giảm mạnh thì khó có thể hoạt động lâu dài”. 
 
Theo chủ các cửa hàng, đại lý, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất, nhưng lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nhất là các mặt hàng bắp, lúa mì, đậu tương. Vì vậy, khi nguyên liệu trên thế giới thiếu hụt nguồn cung, giá tăng cao sẽ tác động đến giá thành sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu liên tiếp tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng để vận chuyển hàng hóa… cũng là nguyên nhân khiến giá nguyên liệu về đến Việt Nam tăng, đẩy giá thành sản phẩm thức ăn tăng cao. 
 
Thực tế, từ ngày 30-12-2021, Chính phủ đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 101/2021 để giảm giá thành đầu vào cho sản xuất trong nước. Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng bắp từ 5% xuống 2%. Tuy nhiên, điều này cũng khó có thể ổn định được giá thức ăn chăn nuôi trong nước khi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu thế giới. 
 
KHÁNH HÀ