Trước tình hình tiêu thụ nông sản khó khăn trong mùa dịch, nhiều người xem việc giới thiệu sản phẩm trên mạng là một giải pháp. Việc làm này cần được khuyến khích, tuy nhiên, người bán cũng cần tạo được uy tín khi mua bán sản phẩm.
Trước tình hình tiêu thụ nông sản khó khăn trong mùa dịch, nhiều người xem việc giới thiệu sản phẩm trên mạng là một giải pháp. Việc làm này cần được khuyến khích, tuy nhiên, người bán cũng cần tạo được uy tín khi mua bán sản phẩm.
Làm clip quảng bá
Anh Lưu Vinh Phú (Nha Trang) vốn là kỹ sư công nghệ thông tin, làm việc cho 1 tập đoàn của Pháp tại Bình Thuận. Do dịch Covid-19, tập đoàn tạm đóng cửa, anh buộc phải nghỉ việc. Những ngày thất nghiệp, Phú nảy sinh ý định nuôi gà cung cấp cho thị trường làm kế sinh nhai. Anh bắt tay vào việc với quy mô mỗi lứa 100 con, sản xuất xoay vòng tại phường Vĩnh Hòa. Anh không sử dụng cám công nghiệp mà tự mua các loại rau củ quả, trái cây hư hỏng, cá tạp về làm thức ăn cho gà nên chất lượng gà rất đặc biệt, nhiều bạn bè ưa thích đặt hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, không có điều kiện quảng bá sản phẩm, anh đã xây dựng các clip rồi đưa lên Facebook, Zalo, giới thiệu cho khách hàng biết về sản phẩm của mình. Thông qua clip nuôi gà hữu cơ, nhờ bạn bè, người thân giới thiệu, hàng ngày anh tiêu thụ từ 3-5 con gà thương phẩm và trực tiếp ship hàng đến tay người tiêu dùng.
Trần Quang Hào - ông chủ Ma Bư Shop Guppy tại Cam Lợi, Cam Ranh cũng thường xây dựng những clip hài, vui nhộn về cá cảnh để giới thiệu sản phẩm với bạn bè, khách hàng. Anh thường đăng clip lên Youtube với tần suất 1-2 clip/tuần. Đến nay, anh đã xây dựng được 1 showroom giới thiệu cá cảnh tại Cam Lợi và hình thành kênh Youtube riêng. Cũng từ các clip này, nhiều người chơi cá cảnh trong và ngoài tỉnh biết tới đặt hàng. Anh nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh, việc quảng bá sản phẩm trên mạng có ý nghĩa lớn, mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất.
Những người không rành công nghệ thông tin thì giới thiệu sản phẩm hay livestream trên Facebook của mình. Trên Facebook, không khó để tìm kiếm những nông sản được chào mời theo lối quảng bá của nông dân như: Dịch kéo dài em có vài chục ký đậu bắp giải cứu giùm; hay chiều nay ghẹ, tôm tít vào, ai cần em ship ngay…
Quan trọng là giữ uy tín
Ngày nay tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều có thể hiện diện trên không gian mạng, mở ra cơ hội lớn cho những ai biết sử dụng công cụ này trong sản xuất, kinh doanh… Ngay cả những nông dân “chân lấm tay bùn” cũng biết cách tiếp cận để bán hàng. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội mang lại hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, một vấn đề mới cũng nảy sinh, đó là việc quảng bá không đúng với thực tế, chất lượng sản phẩm. Theo ông Lê Quốc Toàn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Nông dân tỉnh, việc nông dân kết nối quảng bá trên các trang mạng xã hội cần được khuyến khích để tiêu thụ sản phẩm làm ra, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, hàng hóa nông sản khó tiêu thụ. Tuy nhiên, người bán cũng cần có tâm để tạo được uy tín, danh dự khi quảng bá sản phẩm. Vừa qua, Hội Nông dân có giải cứu một số lượng sầu riêng tại Khánh Sơn. Thông qua một số nhà vườn tại đây, hội đã đặt hàng, tuy nhiên hàng hóa không đảm bảo chất lượng khiến người tiêu dùng quay lưng buộc hội phải trả hàng. Qua việc này, hội khuyến cáo cần quảng bá đúng hình ảnh về sản phẩm của mình mới là người kinh doanh thông minh…
V.L