Thời gian qua, hội nông dân các cấp đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực giúp hội viên, nông dân bằng việc đưa ra nhiều kênh hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Thời gian qua, hội nông dân (HND) các cấp đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực giúp hội viên, nông dân bằng việc đưa ra nhiều kênh hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Mở các điểm hỗ trợ
Sáng 21-8, tại số 6 đường Tô Vĩnh Diện, TP. Nha Trang, các nhân viên của Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh đã tập trung sắp xếp các loại nông sản lên sạp hàng, chủ yếu là các loại khoai, tỏi, hành, ớt… và các loại trái cây đang vào mùa như: bưởi da xanh, sầu riêng, táo, xoài… Ở một góc phố khác, điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản Khánh Hòa tại số 1 đường Dã Tượng, TP. Nha Trang cũng được sắp xếp rất gọn gàng, đẹp mắt. Được biết, các gian hàng này chỉ bán trực tiếp cho người có phiếu đi chợ và bán online qua fanpage: “Trung tâm Hỗ trợ nông dân Khánh Hòa” trên Facebook và qua các số điện thoại: 0775451060 (Toàn), 0583306605 (Vi), 0987778540 (Hà). Tuy nhiên, trung tâm chỉ tiếp nhận đơn hàng của người dân ở TP. Nha Trang (các địa phương khác chưa triển khai); chi phí chuyển hàng (phí ship) 15.000 đồng cho 6kg đầu, mỗi kg tiếp theo cộng thêm 1.000 đồng.
Theo ông Lê Quốc Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh, với tính chất của chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch” nên giá bán các loại nông sản tại trung tâm thấp hơn so với thị trường. Cụ thể, sầu riêng Monthong Khánh Sơn 65.000 đồng/kg; bưởi da xanh Khánh Vĩnh 35.000 đồng/kg; táo xanh VietGAP Cam Thành Nam 17.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc 45.000 đồng/kg; khoai sáp 18.000 đồng/kg; dưa hấu 15.000 đồng/kg; cam xoàn 35.000 đồng/kg; mãng cầu 30.000 đồng/kg… Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, TP. Nha Trang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9-7, mỗi ngày, trung tâm nhận từ 150-200 đơn hàng; đến nay, đã tiêu thụ được hơn 30 tấn nông sản cho nông dân.
Đẩy mạnh các kênh kết nối tiêu thụ
Bà Hà Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, ngoài các điểm bán hàng ở trung tâm, hội còn chủ động triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường công tác truyền thông trên các kênh thông tin của hội; phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, kết nối với các doanh nghiệp lớn thu mua xuất khẩu; phối hợp với Viettel Post đưa nông sản Khánh Hòa bán trên sàn thương mại điện tử Voso.vn… Kết quả, từ đầu năm đến nay, các kênh này đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng 140 tấn nông sản cho hội viên, nông dân trên toàn tỉnh. Thời gian tới, hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản sẽ được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp hơn nữa. Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh bán online, bán hàng qua fanpage; lập gian hàng nông sản tại các chợ truyền thống khi được mở lại; thành lập điểm bán ở các khu phong tỏa… tại tất cả các địa phương trong tỉnh nhằm làm tốt hơn nữa cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hiện trung tâm đang đẩy mạnh việc kết nối và mở gian hàng tại các mô hình “Đưa chợ ra phố”; trước mắt, đã mở được 2 gian hàng tại phường Phương Sài và Vĩnh Hải (TP. Nha Trang).
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác vận chuyển nông sản. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc huy động, tập hợp nông sản từ các hội viên nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác từ các địa phương về trung tâm, và từ trung tâm giao hàng cho khách đều gặp khó khăn. “Trung tâm đã kết nối tiêu thụ được một số đơn hàng với khối lượng lớn, đi ra các tỉnh phía bắc nhưng hoạt động vận chuyển mặt hàng đặc trưng như trái cây tươi đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn, trong khi một chuyến xe giờ đây đi qua các tỉnh, thành phố để ra bắc mất rất nhiều thời gian và chi phí nên các chủ xe không nhận hàng. Đây cũng là hạn chế đang được trung tâm tìm cách tháo gỡ trong thời gian đến”, ông Toàn cho biết.
Hồng Đăng