Bữa ăn của người cao tuổi cần đa dạng chất béo, bột đường, sữa, hạn chế ăn mặn; đồng thời giữ tinh thần thoải mái, lạc quan phòng Covid-19.
Bữa ăn của người cao tuổi cần đa dạng chất béo, bột đường, sữa, hạn chế ăn mặn; đồng thời giữ tinh thần thoải mái, lạc quan phòng Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tám, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, cho biết mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm nCoV. Tuy nhiên, nhóm người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có các bệnh lý nền kèm thường khó chống đỡ với Covid-19, dễ dẫn đến tử vong. Do đó, gia đình cần áp dụng chế độ ăn đủ các chất dinh dưỡng giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho đối tượng này.
Người cao tuổi cần ăn khoảng 250-300 g gạo mỗi ngày, có thể thay bằng miến, bún, bánh phở, khoai củ, gạo lứt, gạo lật nảy mầm, yến mạch... Bổ sung 150-200 g thịt từ thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng hoặc có thể phối hợp các loại đậu đỗ như đậu tương, đỗ xanh và đỗ đen... Hạn chế ăn dầu mỡ, thay bằng dầu đậu nành, dầu lạc, hạt lạc, điều, hoặc cacao... kết hợp với các loại rau và hoa quả chín. Bổ sung sữa tươi, phô mai, sữa chua các loại có probiotic tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Sử dụng một số gia vị, thực phẩm chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như tỏi, nghệ, sả, nấm, tảo biển, trà xanh. Hạn chế muối ăn, gia vị mặn, chỉ nên ăn dưới 5 g muối một ngày. Uống đủ nước và đẩm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khi chế độ ăn không đủ hoặc người gầy, bị sụt cân nên uống thêm các loại sữa, ngũ cốc bổ sung dinh dưỡng từ 1-2 cốc mỗi ngày. Nếu có mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, suy thận, suy tim thì thực hiện chế độ ăn điều trị theo các bệnh này.
Ngoài ra, người cao tuổi là luôn giữ tinh thần lạc quan vì hệ thần kinh hoạt động tốt thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi của tuổi già. Tập thể dục vừa sức hàng ngày đều đặn hai buổi sáng, tối. Tuân thủ khuyến cáo phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế.
Không ngủ muộn sau 22h nhưng cũng không nên đi ngủ sớm để đảm bảo duy trì được giấc ngủ sâu từ 11h đêm đến 3h sáng. "Đây là thời gian cho các cơ quan bộ phận nghỉ ngơi đồng thời cũng là thời gian cơ thể thải đọc, tái tạo tế bào sẽ giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe ổn định, tăng tuổi thọ", bác sĩ nhấn mạnh.
Bác sĩ khuyến cáo, tùy theo tình trạng sinh lý, mức đáp ứng dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng cho từng người. Khi cần tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng hợp lý, người cao tuổi có thể đến phòng khám để bác sĩ tư vấn dinh dưỡng liên quan tới bệnh lý của mình cũng như được cung cấp thực đơn mẫu miễn phí cho nhóm đối tượng này.
Theo VnExpress