Chơi hồ cá theo phong cách thủy sinh là một thú chơi kỳ công, cũng không hề rẻ tiền. Tuy nhiên, vì sự độc đáo của nó, ngày càng nhiều người bị mê hoặc bởi thú chơi này.
Chơi hồ cá theo phong cách thủy sinh là một thú chơi kỳ công, cũng không hề rẻ tiền. Tuy nhiên, vì sự độc đáo của nó, ngày càng nhiều người bị mê hoặc bởi thú chơi này.
Độc đáo, tốn kém
“Đã làm hồ thủy sinh thì xác định tốn tiền, một hồ bỏ hơn chục triệu đồng là chuyện bình thường”, anh Phạm Trường Giang, một người chơi thủy sinh lâu năm khẳng định. Hồ thủy sinh không đơn giản là nuôi cá trong bể kính, mà trong đó, người chơi còn trồng thêm nhiều loại cây thủy sinh, rêu, đá, lũa... tạo hình như mong muốn. Để làm được một hồ thủy sinh hoàn chỉnh, người chơi phải có được những thứ thiết yếu ban đầu gồm: hồ kính, máy lọc nước, đèn chiếu sáng, phân nền, bình khí CO2, bộ hẹn giờ, lũa, đá để tạo hình bố cục cho hồ thủy sinh... Tiếp đến, khi hồ hoàn thành, lại phải tính đến việc mua cây thủy sinh, cá, tép... để thả vào. Chưa kể đến những thứ lặt vặt khác để chăm sóc hồ, giúp cây cối trong hồ xanh tốt. Chỉ tính từng đó đã “ngốn” kha khá tiền bạc của người chơi.
Theo anh Giang, thú chơi thủy sinh ở Nha Trang đã có từ lâu. Ngày trước, việc tìm mua các vật dụng, phụ kiện cho hồ thủy sinh còn hiếm nên chơi thủy sinh còn khó. Đến nay, thị trường hàng hóa phục vụ người chơi thủy sinh rất dồi dào, đáp ứng hết nhu cầu của mọi người, vì vậy thú chơi này dễ dàng hơn nhưng cũng cầu kỳ và tốn kém hơn. Ngoài chi phí cứng, tiền để mua cây cối cũng không ít, có những loại cây rẻ tiền giá dao động từ 20.000 - 50.000 đồng/chậu nhỏ, tách ra được vài cây. Đắt tiền hơn có thể kể đến rêu minifiss, ráy nana thủy sinh, hay những ngọn bucep nhỏ xíu nhưng giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng...
Tốn kém là vậy, nhiều người vẫn chấp nhận bỏ tiền để hoàn thành cho mình một hồ cá thủy sinh vì sự độc đáo của nó. Anh Hồ Hoàng Ân - một người chơi thủy sinh ở phường Phước Tân, TP. Nha Trang cho biết, nét độc đáo của hồ thủy sinh là có đủ các yếu tố hình thành nên một hệ sinh thái gồm: cây cối, rêu, đất cát, phân bón, cá, tép... Những yếu tố này tạo thành một thế giới dưới nước thu nhỏ. Hồ thủy sinh của mỗi người cũng không ai giống ai. Có người thích phong cách Hà Lan phong phú bởi kiểu trồng cây theo từng khóm, từng tầng với màu sắc khác nhau; có người lại thích phong cách Iwagumi đơn giản với những phiến đá xếp lại với nhau và trồng lớp thảm cỏ thấp tạo không gian mở; hay kỳ công hơn là phong cách rừng rậm với nhiều cây lũa, đá, rêu... được tạo hình công phu khiến người nhìn vào hồ có thể thấy ngay một khu rừng rậm dưới nước...
Cũng lắm công phu
Sở hữu đến 5 hồ cá thủy sinh lớn nhỏ trong nhà, có hồ dài đến hơn 2m, anh Ngô Văn Tân (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang) cũng tự mày mò tìm những cách chăm sóc để hồ cá thủy sinh của mình phát triển tốt. Cho chúng tôi xem một hồ thủy sinh tự tay anh chăm đã hơn 10 năm, số lượng cá, tép trong hồ lên đến cả ngàn con, anh Tân chia sẻ: “Với hồ thủy sinh, không đơn giản là chăm cho cá khỏe mạnh, mà còn phải để ý cây cối trong hồ, vì chỉ cần một cây bị bệnh như có nấm hay ngả màu thì phải tìm cách xử lý ngay, nếu không sẽ lây lan ra cả hồ. Trong hồ cũng phải biết trồng cây nào hợp lý, ví dụ như hồ nuôi có tép thì phải có những cây bụi rậm để tép trú ẩn, không bị cá ăn mất”.
Theo những người chơi thủy sinh lâu năm, để nuôi được cá, tép sống ổn định, chủ hồ phải châm vào nhiều loại dưỡng chất, vi sinh khác để các chỉ số như độ pH, tds (tổng chất rắn hòa tan trong nước)... có độ ổn định. Cùng với đó, phải biết chọn chủng loại cá phù hợp với hồ thủy sinh, nhất là các loại cá có kích thước lớn vì dễ làm ảnh hưởng đến cây cối, bố cục hồ. Nhọc công hơn nữa là khi hồ bị lên rêu hại bởi các yếu tố như thiếu/thừa ánh sáng, hệ vi sinh chưa ổn định, mất cân bằng dinh dưỡng... thì người chơi phải biết cách xử lý.
Nhìn những hồ thủy sinh độc đáo như những cánh rừng, đồng cỏ dưới nước, nếu không tìm hiểu sẽ khó biết được người chơi phải hao tốn tiền bạc, công sức đến nhường nào. Nhưng bù lại, thành quả của họ sẽ là những phút thư giãn khi ngắm nhìn những chú cá, tép... khoan thai bơi lội, kiếm ăn trong những hốc đá, tán cây dưới nước... sau giờ làm việc căng thẳng. Quả thật, đây là thú chơi độc đáo mà cũng lắm công phu.
V.THÀNH