Chỉ với 5.000 đồng, những người hành nghề bán vé số, xe ôm… khu vực thành phố Cam Ranh đã có một đĩa cơm với đầy đủ món kho, xào, canh… Quán cơm tình thương 5K được mở ra nhằm san sẻ phần nào vất vả trong cuộc sống với người nghèo, khó khăn, neo đơn.
Chỉ với 5.000 đồng, những người hành nghề bán vé số, xe ôm… khu vực TP. Cam Ranh đã có một đĩa cơm với đầy đủ món kho, xào, canh… Quán cơm tình thương 5K được mở ra nhằm san sẻ phần nào vất vả trong cuộc sống với người nghèo, khó khăn, neo đơn.
Những vị khách quen thuộc
10 giờ 30 một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi có mặt tại Quán cơm tình thương 5K (5.000 đồng), số 330 đường Phạm Văn Đồng, phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh khi những vị khách của quán bắt đầu lui tới. Đến 11giờ, khách đến quán ăn cơm mỗi lúc một đông, chủ yếu là những người làm nghề xe ôm, bán vé số, lao động tự do… Thông thường, mỗi ngày quán sẽ có 2 món kho, 2 món xào và 1 món canh. Thực đơn hôm ấy gồm các món canh mướp, thịt heo kho, cá cơm kho, rau muống xào tỏi, đậu hũ, khổ qua xào trứng. Ngoài đĩa cơm với 3 - 4 món, khách có thể lấy thêm cơm, canh tùy vào sức ăn của mỗi người. Sau khi ăn xong, hầu hết khách tự dọn chén đĩa xuống khu vực rửa và bỏ tiền vào “Thùng tùy hỷ”. Bà Nguyễn Thị Diệu (55 tuổi, quê Tuy Hòa, Phú Yên) - làm nghề bán vé số cho biết: “Bây giờ nhiều người bán vé số nên ế lắm, nhất là sau dịch Covid-19, lo tiền thuê nhà đã khó nói chi tới tiền ăn. Vì vậy, có những ngày tôi chỉ ăn mì tôm. Từ khi có Quán cơm tình thương 5K, chúng tôi không còn phải lo cái ăn nữa. Tôi không chỉ ăn trưa ở quán, mà còn mua thêm một suất để ăn tối. Có những hôm bán ế quá không có tiền, chúng tôi ăn chịu, hôm sau trả, chủ quán cũng vui vẻ. Quán còn có thêm tủ áo quần cũ phía trước, ai cần thì lấy”.
Quán không chỉ phục vụ lao động nghèo, người già neo đơn mà nhiều người đến quán ăn xong bỏ vào thùng 50.000 - 100.000 đồng, có trường hợp bỏ vào 500.000 đồng hỗ trợ quán. Hiện trung bình mỗi ngày, quán phục vụ khoảng 200 - 250 suất ăn, trong đó 80% cho các đối tượng khó khăn (trước đó, những tình nguyện viên đã tìm hiểu và lên danh sách để cấp phiếu cơm hàng ngày, đến giờ ăn, họ cầm phiếu đến ăn tại chỗ hoặc nhận đem về).
Làm tùy tâm
Quán cơm tình thương 5K ra đời từ đầu tháng 5, do chị Nguyễn Thị Phương Trang, tổ dân phố Lợi Hòa, phường Cam Lợi sáng lập. Trước đó, nhằm phòng, chống dịch Covid-19, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, những người bán vé số phải nghỉ bán. Thấy vậy, đều đặn hàng ngày, chị Trang nấu 100 hộp cơm chay phát cho người dân. Sau đó, chị đăng lên mạng tìm người tình nguyện phụ giúp công làm. Một số người thấy vậy phụ giúp, số khác hỗ trợ tiền, nhờ vậy suất ăn tăng lên 200 - 300 suất/ngày. Sau khi hết giãn cách xã hội, hàng ngày vẫn có nhiều người bán vé số tới hỏi. Điều này thôi thúc chị Trang lên mạng tìm hiểu về một số quán cơm 2K ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo tính toán của chị, nếu chỉ bán giá 2K thì một mình chị khó có thể duy trì lâu dài. Vì vậy, sau khi cân đo đong đếm, chị quyết định mở quán cơm 5K. Được gia đình ủng hộ, đầu tháng 5, chị tìm thuê địa điểm mở quán. Chị càng có động lực hơn khi người cho thuê mặt bằng sẵn sàng trích lại cho chị 500.000 đồng/tháng, hỗ trợ mua lương thực, thực phẩm. Quá trình lên ý tưởng, chị đã vận động được 14 tình nguyện viên cùng làm. Hàng ngày, quán phục vụ từ 10 giờ đến 12 giờ. Các tình nguyện viên nam ngoài phụ công việc nặng, tham gia chế biến, còn đảm nhận việc đưa cơm đến tận nhà cho những cụ già neo đơn ở vùng lân cận. Ngoài các tình nguyện viên thường xuyên, vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật còn có thêm các em học sinh trên địa bàn phường phụ giúp. Chị Nguyễn Ngọc Đan Thanh, tình nguyện viên của quán cho biết, chị hành nghề xe ôm, là lao động chính trong gia đình, chồng sức khỏe yếu, hai con còn đi học. Người ta có của góp của, chị góp công. Chị chỉ mong quán được duy trì lâu dài để người nghèo có thêm suất ăn ngon, rẻ.
Được biết, hiện một số mạnh thường quân đã tới quán hỗ trợ tiền, gạo; một số người dân, tiểu thương trong phường cung cấp rau, củ, cá. Chị Trang cho biết, tháng đầu tiên, quán không phải mất tiền mua gạo nhưng trung bình mỗi ngày đi chợ hết khoảng 1,5 triệu đồng nên vẫn phải bù thêm 10 triệu đồng. Chị mong sẽ có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm để quán được duy trì lâu dài, giúp những người lao động nghèo có bữa ăn ngon miệng, yên tâm lao động.
CẨM VÂN